Cách đây vừa tròn 46 năm (20/9/1977 – 20/9/2023), Việt Nam đã chính thức gia nhập Liên hợp quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hơn 78 năm trước, Liên hợp quốc được thành lập, phản ánh mục tiêu chung của nhân loại về một thế giới không còn chiến tranh, một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển.
“Lịch sử hình thành, đấu tranh và phát triển của Việt Nam luôn gắn với các giá trị và các nguyên tắc của Liên hợp quốc, và là một phần trong dòng chảy chung của cộng đồng quốc tế," Thủ tướng khẳng định.
Ngay sau khi tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên để Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.
Trong giai đoạn thực hiện đường lối Đổi mới (1986-2011), các dự án hợp tác của Liên hợp quốc là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan và trình độ cán bộ trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới; đồng thời Liên hợp quốc tiếp tục có những đóng góp có giá trị đối với việc nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, và giải quyết các vấn đề xã hội khác của Việt Nam.
Trong giai đoạn hợp tác 2001-2005, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Liên hợp quốc chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hành chính công, luật pháp, lập kế hoạch đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, tổ chức hàng năm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ...
Trong giai đoạn 2007-2011, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hoá, Việt Nam đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ với các tổ chức Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc như: Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997, thành viên Hội đồng chấp hành UNDP/UNFPA (nhiệm kỳ 2000-2002), thành viên Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) (1998-2000).
Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) năm 1996.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị lớn như Hội nghị Kiểm điểm NPT 2000, 2005, 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003...
Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức phát triển Liên hợp quốc thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao. Trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất hành động - Một Liên hợp quốc (DaO), Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung tiếp theo của Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2016, phù hợp với dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội (SEDP) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (SEDS) của Việt Nam.
Là 1 trong 8 nước thí điểm triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động trên thế giới, nhìn chung, sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Từ khi gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam tiếp tục tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016) và thành viên của ECOSOC (nhiệm kỳ 2016-2018): Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước.
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở LHQ; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Xu-đăng và 01 đội công binh tại Phái bộ ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa Nam Xu-đăng và Xu-đăng); là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.
Giai đoạn 2017-2021 đến nay, hai bên đã hoàn thành Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc đã được ký tháng 7/2017, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Từ một nước tiếp nhận viện trợ, Việt Nam ngày nay có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Từ một quốc gia bị tàn phá bởi hàng thập kỷ chiến tranh, ngày hôm nay, Việt Nam đã có bước tiến dài trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Việt Nam ngày nay là một trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất.
Việt Nam ngày nay sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế, kể những câu chuyện mới về một đất nước hòa bình, ổn định, về một dân tộc cần cù, siêng năng, năng động, sáng tạo, đầy khát vọng - những câu chuyện về một Việt Nam độc lập, tự chủ, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Với những nỗ lực và đóng góp tích cực, Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.
Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện, những bài học kinh nghiệm của mình để có đóng góp quan trọng, thiết thực hơn vào công việc chung của Liên hợp quốc.