Bảo tàng Kon Tum nằm ở cửa ngõ vào trung tâm thành phố Kon Tum, kế bên dòng Sông Đắk Bla. Vẻ ngoài công trình mô phỏng hình ảnh ngôi nhà Rông mang bản sắc truyền thống của người địa phương.
Với diện tích khoảng 16.000 m2, Bảo tàng Kon Tum lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, tư liệu phong phú về lịch sử, văn hoá các dân tộc Bắc Tây Nguyên. Ở đây có những hiện vật và sưu tập quý hiếm như sưu tập hiện vật khảo cổ học Lung Leng, sưu tập ghè, sưu tập chiêng, sưu tập trang phục, sưu tập hiện vật dân tộc học (đồ đán lát, mây tre, nứa lá) cùng với các sưu tập về hình ảnh, hiện vật cách mạng kháng chiến qua các giai đoạn lịch sử.
Đặc biệt, Bảo tàng Kon Tum còn có hệ thống thiết bị của Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể quốc gia do Viện nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật đầu tư xây dựng. Trạm này có khả năng kết nối với 14 vệ tinh trong khu vực cả nước nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.
Vùng đất Bắc Tây Nguyên là nơi sinh cư của nhiều dân tộc bản địa như Ba Na (lâu đời nhất), Xê Đăng, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Brâu.
Với tín ngưỡng thờ đa thần, mọi vật đều có thần linh, các dân tộc tại chỗ Bắc Tây Nguyên thờ tất cả các vị thần liên quan đến cuộc sống của mình: Thần núi rừng, thần sét, thần nước, thần rẫy, thần lúa, thần nhà, thần làng,... Bên cạnh đó cũng có các nghi thức liên quan đến chu kỳ canh tác; hệ thống nghi lễ vòng đời người... Trong hình là áo lễ của người Giẻ - Triêng và quan tài gỗ.
Bảo tàng cũng trưng bày nhiều hiện vật và hình ảnh tư liệu về hệ thống lễ hội của các dân tộc định cư tại Tây Nguyên như: Lễ hội mừng lúa mới; Lễ hội ăn trâu mừng nhà Rông mới; Lễ hội mừng giọt nước; Lễ bỏ mả,...
Nhà Rông Tây Nguyên là di sản văn hóa gắn liền với lịch sử cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nó thường nằm ở khu vực trung tâm của một làng, là ngôi nhà chung và là ngôi nhà lớn nhất, làm không gian sinh hoạt, gắn kết các thành viên trong cộng đồng.
Đời sống sinh hoạt của các dân tộc định cư tại Tây Nguyên được tái hiện qua các mô hình sống động như nghề dệt của người Ba Na, nghề rèn truyền thống của dân tộc Xơ Đăng, tổ hợp góc bếp của người Gia Lai,...
Ghè là một loại vật dụng của đồng bào dùng để ủ rượu cần. Với các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, ghè (ché) là một trong những vật dụng thiết yếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Người Gia rai và Giẻ - Triêng gọi đồ dùng này là "ché", người Xơ Đăng gọi là "xoan" hoặc "vọ", người Ba Na gọi là "tơ keng",...
Không gian trưng bày các công cụ lao động và những sản phẩm của đồng bào các dân tộc được trưng bày và giới thiệu tại bảo tàng.
Người Tây Nguyên có gần 20 loại nhạc cụ dân gian, trong đó cồng chiêng là loại nhạc cục truyền thống, là di sản văn hoá. Ngoài vai trò là nhạc cụ, cồng chiêng còn thể hiện uy quyền, sự giàu sang của mỗi gia đình, dòng họ, là vật thiêng liêng trong tín ngưỡng,...
Người Brâu thuộc nhóm dân tộc có số dân ít nhất tại Tây Nguyên. Người cao tuổi Brâu vẫn giữ tục căng tai và hút thuốc bằng tẩu.
Các loại khố, váy áo và trang sức của đồng bào các dân tộc tại chỗ Bắc Tây Nguyên.
Bảo tàng Kon Tum là kho tư liệu quý giá giúp các nhà khoa học và du khách có thêm hiểu biết về lịch sử phát triển và nền văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc sinh cư ở vùng đất Bắc Tây Nguyên.