Video: Lớp học tiếng Việt ở Angola
Angola là một trong những quốc gia châu Phi có nhiều người Việt Nam sinh sống. Theo bà Đào Lan Hương, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Angola, ước tính có khoảng 40 nghìn người Việt tại quốc gia châu Phi này.
"Cộng đồng người Việt Nam tại đây sinh sống đoàn kết, tương thân tương ái. Họ là những cầu nối hữu nghị đẹp của hai nước, không chỉ duy trì quan hệ tốt với chính quyền sở tại mà còn có nhiều hoạt động công ích, cống hiến xã hội, hỗ trợ phát triển tại các địa phương. Lãnh đạo các cấp của Angola cũng đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Angola nói chung và các địa phương nói riêng", bà Lan Hương nói.
Hội Người Việt Nam tại Angola thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng có ý nghĩa. Qua đó, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm làm ăn buôn bán, giáo dục truyền thống và lòng tự hào dân tộc, lan tỏa việc học tiếng Việt cho thế hệ trẻ, nâng cao nhận thức và tính tự giác chấp hành pháp luật và quy định của nước sở tại, quyên góp giúp bà con ở trong nước khi bị thiên tai bão lụt…
Đa số bà con kiều bào ở đây đều cần cù, chăm chỉ, tuân thủ luật pháp hai nước, ủng hộ và chấp hành đường lối, chính sách của Đảng ta, đặc biệt là tích cực tham gia các phong trào yêu nước, hướng về quê hương, lá lành đùm lá rách… do Đại sứ quán và các cơ quan trong nước khởi xướng.
Đặc biệt gần đây, các hoạt động của Phạm Quang Linh, 27 tuổi và Team Châu Phi tại tỉnh Huambo (Angola) nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng với những hoạt động hỗ trợ phát triển nông nghiệp, quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Phạm Quang Linh và các thành viên của nhóm đã xây dựng trang trại trồng lúa, ngô, khoai, bí…; chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người dân Angola về kỹ thuật nông nghiệp; tạo việc làm, xây dựng trường học; khoan giếng hỗ trợ nước sinh hoạt; xây dựng hệ thống điện mặt trời. Đồng thời tích cực quảng bá văn hóa Việt Nam (tổ chức các trò chơi dân gian, Tết Trung Thu, Tết Nguyên đán…), dạy tiếng Việt cho người dân sở tại, giới thiệu/hướng dẫn người bản địa làm các món ăn truyền thống của Việt Nam…
Tại khu vực văn phòng của Team Châu Phi và những nơi các thành viên đến đều tổ chức các sự kiện để giới thiệu về văn hóa, ẩm thực của Việt Nam. Trong đó có những món hoàn toàn mới về nguyên liệu, cách chế biến và có những món cùng chung nguyên liệu nhưng khác cách nấu được người dân Angola rất thích.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển kinh tế, quảng bá văn hoá, cộng đồng người Việt ở Angola đã lan tỏa và tạo hiệu ứng học tiếng Việt đến người dân bản địa. Nhiều người dân Angola sau khi biết tiếng Việt tiếp tục dạy lại cho người thân của mình, từ cậu bé mới tập nói đến học sinh cấp 1, cấp 2 và cả thanh niên, người lớn tuổi…
Nếu với người lớn tuổi, việc học ngôn ngữ thứ hai cần tốn một khoảng thời gian nhất định thì với trẻ em nơi đây, tiếng Việt “đi vào tiềm thức” một cách nhẹ nhàng, đơn giản
Nổi tiếng nhất có lẽ phải nhắc đến cậu bé Mativado có biệt danh Lôi Con. Cậu bé Lôi Con từng gây chú ý trên mạng xã hội qua những video của Vlogger Phạm Quang Linh. Nhiều khoảnh khắc cậu bé vui đùa, bập bẹ học tiếng Việt, nhất là hát các ca khúc thiếu nhi nổi tiếng, luôn gây chú ý với khán giả.
Theo đó, khi sang châu Phi làm việc, Phạm Quang Linh tiếp cận người dân địa phương và quen biết bé. Quá trình sinh sống tại đây, Quang Linh cảm mến, rồi nhận bé làm con nuôi. Anh đặt tên mới cho Mativado là Lôi Con để dễ gọi, hướng dẫn bé học tiếng Việt. Hiện ngoài khả năng giao tiếp tiếng Việt tốt, Lôi Con còn hát tiếng Việt.
Nhiều lao động địa phương sau khi vào làm việc trong trang trại của nhóm Quang Linh đã biết giao tiếp tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt trong sinh hoạt hàng ngày.
Có thể thấy, để lan tỏa tiếng Việt và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới thì không chỉ dừng lại ở việc mở các lớp tiếng Việt cho cộng đồng kiều bào, mà thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, mỗi kiều bào có thể đưa ngôn ngữ Việt đến với người dân nước sở tại. Từ đó, đóng góp vào công tác bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt tới khắp 5 châu.
Sáng ngày 3/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng có buổi tiếp Youtuber Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlog) và Team Châu Phi (nhóm thanh niên Việt Nam có nhiều đóng góp nổi bật cho người dân Angola và Việt Nam) nhân dịp nhóm về Việt Nam hoạt động thiện nguyện.
Tại buổi gặp gỡ, anh Phạm Quang Linh thay mặt nhóm cảm ơn Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã dành thời gian tiếp các thành viên của nhóm.
Theo Phạm Quang Linh, sau khi đạt được kết quả ban đầu trong việc giúp người dân Angola thu hoạch mùa lúa đầu tiên, nhóm đang tích cực hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và nguồn giống cho người dân địa phương. Kết quả khả quan đạt được là nguồn động viên và khích lệ nhóm tiếp tục mở rộng và phát triển công việc này. Phạm Quang Linh cho biết, việc trồng lúa ở Angola không đơn giản do thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, nên không phải địa phương nào cũng có thể trồng được.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng ghi nhận, đánh giá cao những hoạt động đầy ý nghĩa mà anh Phạm Quang Linh cùng Team Châu Phi đã và đang thực hiện tại Angola cũng như ở Việt Nam.
Thứ trưởng mong muốn nhóm sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan đại diện ta và các tổ chức hội đoàn người Việt ở Angola để kết nối, đoàn kết bà con người Việt tại đây. Thông qua việc giữ gìn, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ góp phần lan tỏa văn hóa Việt Nam tới người dân sở tại và bạn bè quốc tế.
Mong muốn nhóm tham gia tích cực vào những hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức như chương trình Xuân Quê hương, Trại hè dành cho thanh thiếu niên kiều bào, Đoàn kiều bào thăm quân dân huyện đảo Trường Sa...
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ: "Những video clip của Quang Linh cùng nhóm thực hiện và chia sẻ không chỉ là những hình ảnh sống động, ý nghĩa về cuộc sống ở châu Phi, mà còn chứa đựng những câu chuyện nhân văn sâu sắc, tạo niềm tin và cảm xúc cho người xem, góp phần mang tới hình ảnh tươi đẹp, thân thiện của đất nước, con người Việt Nam ở châu Phi".
Quỳnh Nga