- Với mức tăng trưởng 5,98% năm 2014, cao hơn chỉ tiêu đặt ra (5,8%), vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế, Việt Nam có thêm niềm tin để kỳ vọng vào năm 2015 với những dự định đổi thay mạnh mẽ.
Giáo sư, Tiến sỹ Wolfgang Hoeppner, (Cộng hòa Liên bang Đức) đã có những phân tích nhìn lại nền kinh tế Việt Nam năm 2014 và những thành quả mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được. Sau đây là nội dung bài phân tích:
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. |
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra mới nhất, GDP năm 2014 của Việt Nam ước tăng 5,98%, vượt trên nhiều dự báo. Đây là thành công lớn nhất trong việc ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam.
Cùng với đó, lạm phát cũng đã được kiểm soát tốt. CPI năm 2014 tăng ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Trung bình mỗi tháng, CPI chỉ tăng 0,15%.
Mặt bằng lãi suất 2014 giảm khoảng 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2013. Số vốn do các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái
Cán cân thương mại đã có thặng dư khá với mức xuất siêu cả năm đạt 2 tỷ USD, cũng vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, FDI xuất siêu 17 tỷ USD và khu vực trong nước nhập siêu 15 tỷ USD.
Các chỉ số vĩ mô trên đã cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dự báo tăng trưởng năm 2014 và 2015 của hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á trong xu hướng điều chỉnh giảm.
Bên cạnh “kỳ tích” về kinh tế, năm 2014 Việt Nam đã dành 4.304 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, nhờ đó đời sống người dân nhìn chung khá ổn định.
Đặc biệt, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã đe dọa nghiêm trọng ổn định và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên với đường lối đấu tranh đúng đắn, hợp lý, Việt Nam đảm bảo được chủ quyền của mình.
Năm 2015, Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mức này là khả thi, nhất là khi Chính phủ đang có những động thái nỗ lực thực sự cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường kinh tế vĩ mô.
Kinh tế Việt Nam khởi sắc được xác định là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng nhất trí và đổi mới của hệ thống chính trị, sự thống nhất cao trong giới chức lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ và sự quyết tâm của người dân. Trong đó, không thể thiếu vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đang có nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai với nhiều dấu ấn nổi bật.
Đầu tiên là việc ông Dũng đã có những quyết sách hợp lý, đúng đắn để kích thích nền kinh tế tăng trưởng, giảm nợ xấu, giảm lạm phát, ổn định đời sống kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, cải cách môi trường đầu tư và kinh doanh. Ông Dũng có xu hướng ủng hộ kinh tế tư nhân phát triển, là người khích lệ Việt Nam tham gia các hiệp định TPP để gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Mức tăng trưởng kinh tế đạt 5,98% là thành công lớn nhất trong việc ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam.
Điểm thứ hai là ông Dũng kiên quyết khẳng định lập trường của Việt Nam trước những hành động sai trái của Trung Quốc trên biển Đông. Tinh thần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ này đã dấy lên tinh thần đoàn kết, yêu nước, đồng lòng bảo vệ Tổ quốc của mọi tầng lớp nhân dân cũng như hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, ông Dũng được cho là có chính sách ngoại giao khôn khéo, thuyết phục và lôi kéo được nhiều đồng minh ủng hộ Việt Nam giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông, bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực ASEAN. Với sự hậu thuẫn to lớn từ “lòng dân” và sự ủng hộ chính nghĩa của cộng đồng quốc tế, ông Dũng và Chính phủ của mình đã có một năm thắng lợi lớn trong vấn đề đấu tranh chủ quyền bằng biện pháp hòa bình và “xây dựng lòng tin chiến lược”, một chủ đề mà ông Dũng đã khơi gợi và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu cho tới nay.
Điểm thứ ba là ông Dũng đã thể hiện được bản lĩnh và tư duy hướng tới sự đổi mới, cách tân, dân chủ và lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Trong những thông điệp và hành động của mình, ông Dũng hướng mạnh mẽ tới việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền như là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển. Ông Dũng được giới quan sát ghi nhận là người đầu tiên đề cập tới những quyết tâm cải cách, lấy dân làm gốc và làm trục của đổi mới.
Năm 2015, vẫn có hai thách thức lớn chờ đón Việt Nam: thứ nhất là ổn định và tăng trưởng kinh tế (mức 6,2%) và bảo vệ chủ quyền đất nước. Hai thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, đồng lòng từ hệ thống chính trị tới mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.
Với những thành tựu đạt được của năm 2014, người dân cũng như cộng đồng quốc tế tin tưởng rằng ông Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ của mình tiếp tục có một năm “vượt vũ môn” với những dấu ấn nổi bật hơn nữa, xứng đáng là vị nguyên thủ xuất sắc nhất của Châu Á như truyền thông quốc tế từng ca ngợi.
Giáo sư, Tiến sỹ Wolfgang Hoeppner - Cộng hòa Liên bang Đức