Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và kiện toàn bộ phận giúp việc các cấp theo vị trí, chức danh công tác phù hợp với tình hình nhân sự, bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện phong trào xây dựng NTM.

Là tỉnh có xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung của cả nước cũng như các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như cuối năm 2015, số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Tiền Giang chỉ chiếm 8,7%, thấp hơn so với mức bình quân chung của Vùng đồng bằng sông Cửu Long, thấp hơn rất nhiều so với cả nước là 22%, đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; đã có thêm 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; nâng đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 3/3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2024, Tiền Giang tập trung phấn đấu có 90% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2022 - 2025; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tanphudong

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, phấn đấu để tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm của tỉnh nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; ngày 17/6/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 3222-CV/TU yêu cầu tăng cường lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, các nội dung chỉ đạo có liên quan đã được đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, đảm bảo an ninh trật tự,... để nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn, bền vững hơn, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới, đề xuất khen thưởng trong phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và phong trào "Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021 - 2025.

Có giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực để hỗ trợ phù hợp cho các địa phương trong quá trình thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu liên quan theo kế hoạch, lộ trình xây dựng nông thôn mới đã đề ra; nhất là quan tâm hỗ trợ nguồn lực để các huyện, xã đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 đối với các địa phương đã được công nhận từ thời điểm cuối năm 2021 trở về trước. Chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung hướng dẫn thực hiện, cũng như đánh giá mức độ đạt các chỉ tiêu, tiêu chí do Trung ương phân cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới gắn liền với việc phát huy ý thức cộng đồng của Nhân dân, như: lao động, thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm, chất lượng và môi trường sống,...

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để hình thành các điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tại cơ sở, xây dựng địa bàn nông thôn vững mạnh, toàn diện. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu có kế hoạch, lộ trình và giải pháp tổ chức thực hiện thật cụ thể để tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được (nhất là các xã đã được công nhận đạt chuẩn từ cuối năm 2021 trở về trước); phấn đấu đảm bảo đạt mục tiêu có ít nhất 90% số xã đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 vào thời điểm cuối năm 2024 và đạt 100% vào thời điểm đầu năm 2025 (quý II/2025); xây dựng kế hoạch, lộ trình và có giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra tại Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn cấp huyện đến năm 2025.