Cuộc đời cách mạng của Tổng bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã dồn hết tâm trí cho học tập, tham gia "Hội Tu tiến" để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Huế vào năm 1922 ông được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục tại Vinh. Trong những năm làm giáo viên ở Vinh, ông nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết các Đồng nghiệp, khơi dậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc.
Di tích Nhà 90 Thợ Nhuộm là nơi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam viết bản Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. |
Ông đã tiếp nhận những tư tưởng yêu nước và cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua sách báo truyền vào Việt Nam lục đó. Tại Vinh, ông đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt (sau đổi là Hội Hưng Nam), lãnh đạo phong trào làm đơn lấy chữ ký đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho Phan Bội Châu tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh, mở các lớp dạy quốc ngữ cho quần chúng lao động.
Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của ông là việc được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây ông đã gặp Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Ông được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào nhóm bí mật (Cộng sản Đoàn) với tên gọi Lý Quý, được giới thiệu sang học tại Trường đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Chính những năm học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tham gia hoạt động thực tiễn, đặc biệt trao đổi với các Đồng nghiệp của các Đảng anh em về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, ông đã có bước trưởng thành lớn đủ sức gánh vác những nhiệm vụ do Đảng phân công.
Tháng 4-1930, ông được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng và có những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.
Tháng 7-1930, ông được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí đã khẩn trương xúc tiến việc tổ chức các cuộc trao đổi với các Đồng chí lãnh đạo trên các lĩnh vực, các vùng và nghiên cứu khảo sát thực tế tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Thái Bình để hoàn thành bản Luận cương.
Luận cương chính trị do ông dự thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10-1930 thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.
Với công lao và đóng góp to lớn đó, ông đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, ông Trần Phú đã có những đóng góp xuất sắc về lý luận đối với cách mạng Việt Nam, trong đó Luận cương chính trị là văn kiện của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, những luận điểm cơ bản trong chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo thông qua tại hội nghị thành lập Đảng.
Ông Trần Phú đã đưa ra các quan điểm mới về xây dựng tổ chức đoàn thể quần chúng và phương pháp vận động công nhân (công vận). Ông cho rằng, trong công tác công vận, cần phải có quan niệm đúng, phải nắm thợ "áo xanh”, trong khẩu hiệu đấu tranh, phải biết hướng dẫn tổ chức tập hợp giữa đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị.
Trong sự nghiệp cách mạng của mình, ông có những đóng góp vào việc xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng, đó là tổ chức Thanh niên Cộng sản thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và các văn kiện xây dựng các tổ chức quần chúng Mặt trận dân tộc, Nông hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ... Những văn kiện và các tổ chức do đồng chí Trần Phú và Trung ương dự thảo, thành lập ra đáp ứng đòi hỏi phong trào cách mạng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng.
Nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, tinh thần bất khuất của người đảng viên cộng sản trước kẻ thù, lời nhắn nhủ cuối cùng của ông trước lúc hy sinh “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, Đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng". Trong bài tưởng nhớ Đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: "Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm giương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương".
Hồng Anh (tổng hợp)