- Hơn 40 năm ra đời, Đất nước trọn niềm vui đã in dấu ấn sắc nét về nhạc sĩ Hoàng Hà trong lòng khán giả, tác phẩm như một tuyên ngôn về niềm hạnh phúc ngày thống nhất.
Trong Điều còn mãi 2016, giai điệu hào hùng, tưng bừng của ca khúc Đất nước trọn niềm vui với tiếng hát của các ca sỹ NS ƯT Đăng Dương, Lê Anh Dũng, Thành Lê, sẽ là khoảnh khắc được BTC lựa chọn để khép lại chương trình đặc biệt diễn ra hàng năm của báo VietNamNet.
Với mong muốn tạo nên một điểm nhấn đặc biệt cho chương trình năm nay, tác phẩm nổi tiếng của nhạc sỹ Hoàng Hà được kỳ vọng làm sống lại những giây phút lịch sử vẻ vang đầy tự hào, và tôn vinh tinh thần bất khuất, can đảm về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của con người Việt Nam.
"Thầy tôi, Lưu Hữu Phước"
Nhạc sỹ Hoàng Hà trở nên gần gũi với công chúng từ những năm 1960 với hình ảnh một nhạc sĩ yêu nước, một người có lý tưởng cách mạng cao đẹp. Và đến nay khi nhạc sĩ đã qua đời, thì đâu đó trong tâm hồn người yêu nhạc vẫn có riêng một góc nho nhỏ cho người nhạc sĩ đáng trân quý này.
Nhạc sỹ Hoàng Hà. |
Hoàng Hà tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh ngày 1/12/1929 tại Tây Hồ, Hà Nội. Ông còn được biết đến với nghệ danh Cẩm La. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 16 tuổi và bắt đầu sáng tác vào năm 1945.
Năm 18 tuổi, ông chuyển công tác đến Phúc Yên, và cũng chính thời gian này ông thu nhặt được những xúc cảm về hình ảnh người chiến sĩ, về quê hương đất nước, để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc đầu tiên: Câm hờn, Nhớ mái chùa yên ấm, Bao giờ trở lại... Những sáng tác đầu đời được chính ông nhận xét rằng còn rất nghiệp dư, ít được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Nói đến hành trình đến với công chúng của Hoàng Hà thì không thể không nhắc đến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người bạn cũng như người thầy đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Hà.
Nhạc sĩ từng chia sẻ: “Năm 1947, tôi sáng tác một loạt bài còn rất nghiệp dư như "Căm hờn", "Nhớ mái chùa yên ấm", "Bao giờ trở lại"... Sau khi in xong, tôi gửi cho các đàn anh xem hộ. Duy nhất có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hồi âm. Biết tôi còn trẻ, trình độ i tờ, ông đã thường xuyên viết thư dạy tôi học nhạc. Mãi đến năm 1951, khi dự trại văn nghệ ở Thái Nguyên, tôi mới được gặp ông. Đến năm 1962, ông kéo tôi lên Hà Nội đi học. Trong cuộc đời tôi, tôi kính phục Lưu Hữu Phước đến mức phải thờ.”
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (bên trái) và nhạc sĩ Hoàng Hà. |
Đối với ông, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một thần tượng và một nguồn động lực, mục tiêu phấn đấu. Lưu Hữu Phước đã là nhận thấy năng lực sáng tác của Hoàng Hà, phát hiện ông vốn là một “ngôi sao sáng” và đã góp công không nhỏ trong việc giúp ngôi sao ấy tìm được bầu trời âm nhạc của riêng mình.
Năm 1962, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã động viên ông ra Hà Nội theo học khoa sáng tác – lý luận hệ đại học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Từ đó nhạc sĩ vững vàng hơn về chuyên môn, sau khi tốt nghiệp cũng là lúc ông trưởng thành trong sự nghiệp sáng, những rung cảm về nghệ thuật có phần sâu sắc và tinh tế hơn.
Thời trai trẻ, giai đoạn ông bắt đầu sáng tác nhạc. |
Mãi cho đến năm 1956, khi bài hát Ánh đèn cầu Việt Trì ra đời đã mang tên tuổi của ông đến với đông đảo công chúng. Có thể nói đây là một bước ngoặc lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông, từ đó về sau ông tiếp tục sáng tác và hầu như mọi sản phẩm đều được đón nhận nồng nhiệt. Vì ở ông có sự cầu toàn nhất định với những đứa con tinh thần của mình và cái tâm, sự nghiêm túc với nghề.
Cảm hứng nghệ thuật lớn nhất cuộc đời ông là quê hương đất nước. Những sáng tác của ông gắn liền với lịch sử phát triển cách mạng của dân tộc. Và ắt hẳn khi nhắc đến ông người ta nhớ ngay đến ca khúc Đất nước trọn niềm vui - được nhận định là bài hát hay và thành công nhất về ngày thống nhât Đất nước.
Cơ duyên ra đời đặc biệt của ca khúc Đất nước trọn niềm vui
Cơ duyên ra đời của bài hát Đất nước trọn niềm vui là hoàn toàn tự nhiên và bất chợt. Bài hát được viết lời, phổ nhạc và thu âm trong vòng một ngày (26/4/1975), bốn ngày trước khi thống nhất hoàn toàn Đất nước. Điều này cho thấy lúc bấy giờ hoàn toàn chưa có “muôn ánh sao vàng” hay “rừng cờ tung bay” như nhạc sĩ đã viết trong bài, chứng tỏ những cảm nhận về sự nhộn nhịp, sôi nổi trong bài hát này của tác giả ban đầu chỉ là trong tâm hồn, suy nghĩ và trí tưởng tượng.
Sáng ngày 26 đáng nhớ ấy, khi nghe tin tức về các cánh quân của ta bao vây chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn, thế là bao nhiêu hình ảnh chiến thắng, những ý tứ nhạc, ca từ...hiển hiện trong trí óc ông một cách liên tục.
Ông từng chia sẻ: “Thế là, những hình ảnh thời tôi theo đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội (10/1954) với rừng cờ, rừng người náo nhiệt tái hiện như một cuốn phim tư liệu sắc nét. Sài Gòn bừng hiện ra trong tâm trí tôi như một ảo ảnh sống động với những câu chuyện tôi đã nghe, những dũng sĩ kiên cường, những sĩ quan quân đội Sài Gòn thảm hại tôi đã gặp, ký ức về những trận chống càn thắng lợi, về ngày giải phóng thủ đô...
Từng nét nhạc, từng ý, từng lời, cứ bật ra từ trong sâu thẳm lòng mình, phơi phới "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông... Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương!" Cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, bỗng bật ra giọng Hò Đồng Tháp của chị văn công Giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người miền Nam tôi vẫn hằng ấp ủ trong tim, cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!”.
Và cứ như thế, cảm hứng lãng mạn trong nghệ thuật, niềm tin vào chiến thắng, những trải nghiệm, hiểu biết và tiếng Hò Đồng Tháp của dân miền Nam trong tiềm thức bổng vang lên. Những điều ấy đã hô ứng với nhau giúp nhạc sĩ kết tinh cảm xúc để hoài thai ra một tác phẩm bất hủ.
Tuy rằng là trong tưởng tượng, “nhưng để có được một Đất nước trọn niềm vui như thế, đó là kết quả của cả một quá trình tích lũy, gần thì phải kể từ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, thậm chí là trước nữa. Nhiều yếu tố cộng lại dần dần để rồi bùng phát ở một thời điểm.” - Hoàng Hà
Năm sáng tác ca khúc, nhạc sĩ đã gần 50 tuổi, độ tuổi chín mùi của người nghệ sĩ, đủ trải nghiệm để có thể cảm nhận sâu sắc nhất về nghệ thuật. Dù ông đã đứng tuổi, nhưng Đất nước trọn niềm vui mang một tinh thần trẻ trung, sôi nổi. Bài hát mang nhịp phách rất “nẩy”, giai điệu toát lên không khí vinh quang, hào khí ngất ngưởng đúng tinh thần ngày chiến thắng.
Bài hát được nhân dân cả nước đón nhận nồng nhiệt hơn bất cứ ca khúc nào viết về ngày chiến thắng lúc bấy giờ. Bởi lẽ ca từ thể hiện đúng bối cảnh đương thời của nhân dân đất nước:
“Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang.
Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam.
Ôi! hạnh phúc vô biên!
Hát nữa đi em, những lời yêu thương”.
Lời bài hát như thể chấp cánh nhân dân bay lên vinh quang hạnh phúc của ngày không còn bóng quân thù, như ngọn lửa rực cháy lên tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.
NSND Trung Kiên là ca sỹ đầu tiên thể hiện ca khúc Đất nước trọn niềm vui cũng chính là người tác giả đánh giá là hay nhất. Ông cho biết: ”Tôi dự buổi thu thanh, nghe mà cảm phục anh Trung Kiên sao lại có sự đồng cảm đến thế. Giọng hát của anh đã thực sự chắp cánh cho bài hát của tôi bay lên, hoàn toàn như tôi đã tưởng tượng một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất...”
Sau đó ca khúc được phát trên Đài phát thanh Giải phóng lần đầu vào ngày 1/5/1975, cùng với tiếng hò reo và hát theo của quần chúng nhân dân trong niềm vui chiến thắng.
Cho đến nay, đã có hàng chục nghệ sĩ đã tham gia trình bày và phối lại ca khúc này, tiêu biểu là các nam nghệ sĩ như Quang Thọ, Đăng Dương, NSƯT Tạ Minh Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Nguyễn Phi Hùng... |
NSƯT Tạ Minh Tâm thể hiện Đất nước trọn niềm vui.
NSƯT Đăng Dương thể hiện Đất nước trọn niềm vui.
Chân dung vị nhạc sĩ cách mạng những năm cuối đời. |
Đã hơn 40 năm kể từ khi bài hát ra đời, có thể nói Đất nước trọn niềm vui đã in dấu ấn sắc nét về nhạc sĩ Hoàng Hà trong lòng khán giả, tác phẩm như một tuyên ngôn về niềm hạnh phúc ngày thống nhất.
Bánh xe thời gian cứ lăn, vị nhạc sĩ đáng quý đã tạ thế vào ngày 4/9/2013 vì tuổi già sức yếu, nhưng dấu ấn của ông về ngày thống nhất của ca khúc Đất nước trọng niềm vui vẫn luôn trong tim con người Việt Nam.
Chương trình hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi" 2016 sẽ trở lại với công chúng yêu nhạc vào 14 giờ, ngày Quốc khánh 2/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên VTV3, tiếp sóng trên VietNamNet. "Điều còn mãi 2016" dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn do báo VietNamNet tổ chức với sự đồng hành của Tổng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Các ca sĩ Đăng Dương, Tùng Dương, Hồng Vy, Lê Anh Dũng, Thành Lê, Dàn hợp xướng ĐHSPNT Trung ương sẽ đồng hành cùng "Điều còn mãi 2016". |
Nhật Anh