Tây Nguyên là vùng có đông thành phần dân tộc nhất nước với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ chiếm gần 27%, đồng bào Kinh chiếm gần 65%, các dân tộc khác chiếm gần 9%.
Tại Tây Nguyên, những đặc trưng ở bản sắc các dân tộc càng thể hiện rõ nét và sâu sắc hơn hết. Với đặc điểm đất đai màu mỡ, Tây Nguyên là mảnh đất lành để các nhân dân khắp nơi trong cả nước chọn đây là nơi sinh sống và gắn bó bền vững. Sắc thái văn hóa đa dạng của Tây nguyên biểu hiện rõ nét qua kho tàng văn học truyền miệng, qua nghệ thuật cồng chiêng và qua các lễ hội.
Song song với việc giữ được các nghề truyền thống của các dân tộc bản địa như đẽo tượng gỗ, đan lát mây tre, làm rượu cần, dệt thổ cẩm… các lễ hội đặc sắc như mừng cơm mới, cúng bến nước, hội đua voi,… nền âm nhạc truyền thống với nhạc cụ tre nứa, đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng và kho tàng văn học, văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc khác trên địa bàn đã tạo được vốn văn hóa đồ sộ, đa dạng và phong phú.
Đặc biệt “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được Tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…. tất cả những sự phong phú ấy tạo nên một Đắk Lắk trong Tây nguyên vô cùng đa dạng và phong phú về mọi yếu tố, từ các dân tộc đến văn hóa vô cùng thú vị và đặc sắc.
Mở đầu cho Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai đó là màn trình diễn sôi động, ấn tượng bởi hơn 500 nghệ nhân đến từ Tp. Pleiku. Trên các tuyến đường chính của phố núi, các đội cồng chiêng nối đuôi nhau biểu diễn. Trong không gian rộng lớn, sự hòa âm của tiếng cồng chiêng tạo nên âm hưởng trầm hùng, sôi động. Đồng thời, tạo ấn tượng đẹp đối với du khách và người dân về giá trị nghệ thuật của không gian văn hóa cồng chiêng - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, giới thiệu đến du khách và người dân về cồng chiêng, trang phục và những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người DTTS trên địa bàn.
Tiếng cồng chiêng âm vang, trầm bổng cùng những điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển đã đưa du khách hòa mình vào không gian sống động của nghệ thuật dân gian truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Mọi người cùng múa, cùng nhảy với đoàn nghệ nhân, đắm mình trong tiếng cồng chiêng nhịp nhàng.
Trong khuôn khổ sự kiện, các nghi lễ truyền thống như lễ cúng nhà rông mới, lễ cưới của người Gia Rai, lễ bỏ mả... cũng được tái hiện. Các nghi lễ đã đưa người dân và du khách đến với không gian văn hóa đặc sắc, đa dạng của cộng đồng Gia Rai tại Tp. Pleiku. Qua các nghi lễ truyền thống, những chủ nhân của di sản đã mang bản sắc văn hóa đến gần với người dân và du khách hơn bao giờ hết.
Nhà rông luôn được coi là trái tim của buôn làng, vì vậy, nghi lễ mừng nhà rông mới là một trong những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo luôn được đồng bào Gia Rai đặc biệt coi trọng. Các nghệ nhân phường Hoa Lư đã trang trọng tái hiện Lễ mừng nhà rông mới với ý nghĩa cảm tạ thần linh đã luôn giúp đỡ dân làng, mong khi về nhà rông mới, thần sẽ tiếp tục phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, bình an. Đối với những chủ nhân của di sản văn hóa, việc tham gia Tuần văn hóa - du lịch càng khiến họ nâng cao ý thức gìn giữ và lòng tự hào với văn hóa dân tộc.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Trưởng phòng Văn hóa thông tin Tp. Pleiku (Gia Lai) cho biết: Tuần văn hóa - du lịch là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong dịp cuối năm đã mở ra nhiều kỳ vọng cho bức tranh du lịch trong năm mới. Đồng thời, đem đến cơ hội cho bà con thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó thêm tự hào và tích cực gìn giữ, phát huy. Các chương trình như biểu diễn cồng chiêng đường phố, cồng chiêng cuối tuần, thi hát dân ca - sử thi, Festival cồng chiêng… sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách thập phương.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cồng chiêng; phát triển du lịch theo hướng xanh sạch, đẹp, an ninh - an toàn và thân thiện, gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phố núi Pleiku trở thành một điểm đến hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc.” - ông Hà chia sẻ.
Nguyễn Hằng, Lê Nhung, Kiều Oanh, Hoàng Hiệp, Ánh Tuyết