Theo Cục An toàn thông tin, tháng 1/2019 Cục ghi nhận 313 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam. Trong số đó có 139 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing); 26 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 148 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).
Hơn 1 triệu địa chỉ IP của VN nằm trong mạng máy ma
Cũng trong tháng đầu tiên năm 2019, hệ thống của Trung tâm đã ghi nhận 1.025.104 địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet).
Trước đó, theo số liệu từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, năm 2018, có 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 1.023 cuộc so với năm 2017 (tương đương 10%).
Trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo, 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện và 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc. Cuối năm 2018, sau khi Bộ TT&TT phối hợp với các một số Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp tiến hành rà soát, bóc gỡ mã độc, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma đã giảm khoảng 6% so với năm 2017, còn trên 4.181.000 địa chỉ.
Đáng chú ý, số liệu ghi nhận từ Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia đã cho thấy tấn công lừa đảo vẫn đang là mối đe dọa lớn đối với các cơ quan, tổ chức và người dùng Internet tại Việt Nam.
Năm 2018 và đầu 2019, số vụ tấn công lừa đảo chiếm 58% các cuộc tấn công mạng.
Trên thực tế, những năm trở lại đây tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam thường diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong khoảng thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước và những dịp nghỉ lễ.
Vì vậy, trong đợt nghỉ Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các chuyên gia khuyến nghị cơ quan, doanh nghiệp và người dùng cần quan tâm đến việc đảm bảo an toàn khi tham gia môi trường mạng.
Lướt web, giao dịch online an toàn Tết Kỷ Hợi 2019
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Cục An toàn thông tin, trên thế giới có nhiều các trang web giả mạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như các mạng xã hội. Vì thế, người dùng cần phải hết sức cảnh giác với những trang web giả mạo để tránh bị tin tặc đánh cắp tài khoản.
Cùng với đó, để hạn chế nguy cơ bị đánh cắp thông tin, người nên thận trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thanh toán của mình cho các dịch vụ trên mạng.
Bên cạnh đó, người dùng nên chủ động lựa chọn các dịch vụ thanh toán trực tuyến đã được tin dùng bởi cộng đồng và được xác nhận đảm bảo của Bộ Công Thương, Bộ TT&TT.
Ngoài ra, để lướt web an toàn trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, các chuyên gia bảo mật của khuyên người dùng cần cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo với khuyến mại “khủng” yêu cầu người dùng like và share qua các mạng xã hội và Facebook Messenger.
Rất có thể đó là các đường link và tài khoản chứa mã độc, backdoor... được sử dụng để chiếm đoạt thông tin tài khoản của người dùng.
Đồng thời, người dùng chỉ nên truy cập và tải về các dữ liệu như phim tết, clip ca nhạc tại các trang web chính thống, có bản quyền.
Thông thường, những trang web được bảo mật sẽ có địa chỉ trang web bắt đầu bằng “https”, trong đó chữ “s” là viết tắt của “secured” cho biết website đó “đã được tăng cường bảo mật”.
Theo Zing