Bỏ quê tìm về vùng chiêm trũng
Thấy mình có tên trong danh sách những hộ làm kinh tế tiêu biểu của TP. Hà Nội năm 2020, ông Bùi Văn Hiệp - chủ trang trại cây ăn quả rộng tới 2ha ở thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh (Mê Linh, Hà Nội), xúc động nói: “Gây dựng được trang trại quanh năm cho hoa trái như ngày hôm nay, vợ chồng tôi trải qua không biết bao nhiều gian nan, thử thách".
Ông Hiệp ngậm ngùi nhớ lại quãng thời gian còn làm ruộng, trồng hoa, rau màu trên khoảng 1 mẫu đất canh tác, tính cả diện tích đất của nhà và đất đi thuê. Cuộc sống làm nông gọi là đủ ăn đủ tiêu chứ không dư dả. Gặp thời tiết mưa bão, hoa màu bị tàn phá coi như mất sạch tiền của, công sức mấy tháng trời vun trồng chăm bón.
“Người nông dân vất vả, quanh năm đầu tắt mặt tối đến lúc gần cho thu hoạch thì mất sạch, xót của nhưng không biết làm thế nào, chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục lao động”, ông chia sẻ.
Từ đồng hoang chiêm trũng, vợ chồng ông Hiệp đã cải tạo thành khu vườn tươi tốt, quanh năm cho trái |
Năm 2016, ông Hiệp tham gia Hợp tác xã Việt Doanh - một tổ chức giúp các hộ nông dân làm kinh tế. Tại đây, các thành viên hỗ trợ nhau trong sản xuất, tìm ra các giống rau quả thích hợp với thời tiết, mùa vụ; hợp tác xã giúp nông dân liên kết, ký hợp đồng với các đầu mối tiêu thụ. Bản thân ông Hiệp mong mở rộng quy mô phát triển kinh tế, song phải có đất sản xuất.
Loay hoay tìm đất thì tới năm 2017, được người bạn giới thiệu, ông biết đến mảnh đất rộng 2ha bị bỏ hoang nhiều năm ở thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa (Mê Linh, Hà Nội). Tuy nhiên, đây lại là khu đồng trũng, một năm ngập đến 2-3 lần nên việc canh tác khó khăn.
“Ngày ấy, vợ tôi cũng băn khoăn về việc đầu tư vào đây, nhỡ làm không có thu thì mất hết vốn liếng. Tôi phải dẫn vợ đi xem một số mô hình trồng cây trên vùng đất trũng ở xung quanh để thuyết phục”, ông Hiệp kể.
Cuối cùng, vợ chồng ông quyết định rời quê hương, chọn khu đất này rồi tiến hành cải tạo dần, với hy vọng gây dựng được một trang trại trồng cây ăn quả và hoa quy mô lớn.
Nhìn vườn cây sai trĩu quả, ông Hiệp bùi ngùi nhớ về quãng thời gian đầu vất vả. “Cả khu cỏ mọc um tùm, trâu bò chăn thả khắp nơi. Đường vào khó khăn, lầy lội không đi được, đất đai bạc màu. Nhiều khi họ nói lời ra tiếng vào khó nghe, cho rằng hai vợ chồng lẩm cẩm hay sao mà đổ tiền vào đây. Lúc ấy nghĩ cũng thấy chạnh lòng”.
Đường vào khu đất lúc đó bùn lầy, bụi bẩn đi lại rất khó khăn. Vợ chồng ông phải kéo sắt thép, que cọc, từng tấm tôn hàng chục cây số từ nhà đến đây để làm lán trại. Ông Hiệp phải xúc từng thùng đất sỏi rải ra để làm lại hệ thống đường, rồi đổ đất từ chỗ cao xuống chỗ trũng cho bằng phẳng. Để cải tạo đất, ông bà chở cả chục xe phân gà rải lên, dùng máy phay để xới đất. Hôm nào cũng thức khuya dậy sớm, nắng mưa cơ cực không kể hết.
“Do vốn mình không có nhiều nên làm còn chắp vá, chưa được tổng thể. Tôi phải vay mượn Hội nông dân, anh em bạn bè 100 triệu. Một tháng sau khi chở đất san lấp, cải tạo khu đồng hoang trũng, tôi bắt đầu trồng 4 sào hoa cúc”, ông tâm sự.
Đất không phụ lòng người
May mắn lứa hoa đầu tiên nở đẹp, được thương lái đến tận vườn thu mua. 3-4 tháng sau ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng ổi và hoa lên gần 2 mẫu. Đến nay, trang trại của ông có 2 mẫu ổi, hơn 1 mẫu hoa cúc và 1 mẫu chanh. Ngoài ra, ông còn trồng xen canh thêm nhiều loại cây khác như: hoa hồng, ớt, hồng xiêm, mít, bí đỏ,...
Công việc tưởng rằng thuận lợi, đến năm 2018 trận mưa lớn đã khiến toàn bộ diện tích đất trồng chanh và một phần khu đất trồng ổi bị ngập. Giữa đêm, ông Hiệp đưa máy bơm hút nước mới giữ được vườn chanh và khu trồng ổi. Năm đó, cây cối bị ảnh hưởng, chất lượng quả kém hẳn.
sau 4 năm gây dựng, vợ chồng ông Hiệp sở hữu vườn cây trái rộng hơn 2ha, mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng |
Không lùi bước trước khó khăn, vụ mùa sau đó, vợ chồng ông tiếp tục cải tạo đất bằng cách trồng thêm một số rau màu, thường xuyên đào xới chăm bón. Nhờ có kinh nghiệm trồng trọt tích lũy từ nhiều năm, những trận mưa ngập cũng dần được khắc phục khi ông đầu tư thêm hệ thống máy móc hút nước để chủ động khi mưa lũ tràn về.
Đến nay, phần lớn diện tích ông trồng ổi, chanh và hoa cúc quanh năm đều cho hoa tươi quả ngọt. Hai mẫu ổi với 560 cây, trung bình sản lượng đạt 1,6 tấn/sào/năm. Với giá bán hiện tại 15.000 đồng/kg, tính ra vườn ổi nhà ông cho thu khoảng 240 triệu/năm.
Còn 1,2 mẫu trồng hoa cúc, tùy theo giá cả thị trường, trung bình ông thu khoảng 30 triệu/sào/năm. Ước tính doanh thu đạt 360 triệu/năm.
Bên cạnh đó, gia đình ông còn có 1,5 mẫu trồng chanh với 450 gốc. Hiện cây còn nhỏ nên sản lượng trung bình chỉ đạt 3 tạ quả/sào/năm. Với giá bán 20.000 đồng/kg, vườn chanh của ông cho thu khoảng 60 triệu/năm.
Tùy giá cả và sản lượng từng mùa vụ, bình quân mỗi năm, gia đình ông có doanh thu 700-900 triệu từ trang trại, trừ chi phí thu lãi khoảng 300-450 triệu/năm. Dự kiến thời gian tới, trang trại sẽ cho doanh thu 1 tỷ đồng..
“Tôi thuê thêm 3 người làm chính ở trang trại, công việc chủ yếu là thu hoạch hoa quả, cắt cỏ, bọc ổi, chăm sóc tưới bón cây. Mọi thứ dần đi vào ổn định, nỗi lo lắng cũng vơi bớt. Vợ chồng đều phấn khởi, cười nhiều hơn so với ngày đầu mới vào”, ông Hiệp mừng rỡ.
Để có đầu ra bền vững cho hoa trái, trang trại của ông liên kết với Hợp tác xã Việt Doanh. Hợp tác xã thu mua phần lớn sản phẩm. Ngoài ra, ông còn bán buôn, bán lẻ các loại hoa quả cho đầu mối, thương lái ở khắp nơi.
Nhìn đôi bàn tay chai sần vì vất vả, nhớ lại những khi nắng cháy da hay mưa như trút nước cũng không làm vợ chồng ông nản lòng, ông nghĩ, đất không phụ lòng người. Nếu không có những ngày tháng đổ mồ hôi sôi nước mắt đó thì chưa chắc vợ chồng ông đã thu được trái ngọt trên mảnh đất bạc màu như ngày hôm nay.
Nhật Thanh