Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, với nhiều tính năng mới như quảng cáo, livestream... khiến nhiều chủ cửa hàng đổ bộ lên mạng xã hội để hoạt động. Bên cạnh những mặt hàng chất lượng, uy tín còn có rất nhiều hàng nhái, hàng rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào.

Tuy nhiên, việc xử lý hàng giả, hàng nhái đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp, cần sự chung tay của nhiều lực lượng chức năng và cả người tiêu dùng thông thái.

Hàng hiệu giá... bình dân

Giãn cách xã hội ở nhiều địa phương do dịch COVID-19 gây ra khiến nhiều người đã không thể đi mua hàng trực tiếp. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trên các sàn thương mại điện tử hay nền tảng livestream. Điều đáng nói, tất cả những mặt hàng này đều được người bán quảng cáo với những lời có cánh như: có đầy đủ tem, mác, full box. 

Và đặc điểm chung nữa mà những người bán hàng không quên quảng cáo là các mặt hàng này đều là của các hãng nổi tiếng, giá gốc của sản phẩm lên tới vài triệu đồng nhưng do chủ cửa hàng săn được sale (hạ giá) nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng chỉ còn vài trăm nghìn, thậm chí là thấp hơn. Một “miếng mồi” khác nữa mà những người bán hàng livestream vẫn thường sử dụng là chiêu vờ chịu thiệt, bán hàng lỗ vốn chỉ để lấy tương tác.

Lực lượng chức năng kiểm tra một kho hàng không giấy tờ, nguồn gốc.

Chị Nguyễn Thùy Liên (Phú La, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi không hiểu sao khi thấy những livestream quảng cáo bán hàng hiệu giá rẻ chỉ bằng 1/10 thậm chí là hơn so với giá thị trường mà nhiều người vẫn tin và đặt đơn ầm ầm. Sao không ai đặt câu hỏi là nếu đấy đúng là sự thật thì người bán chịu lỗ à? Bình thường nếu có định giảm giá để xả hàng, người ta cũng chỉ giảm 5, 10 đến 20% là cùng. Làm gì có chuyện một chiếc áo Louis Vuitton hàng hiệu lại chỉ có giá hơn 100 nghìn đồng. Cứ ham rẻ thế thì mua phải hàng đểu là đúng rồi”.

Đã từng tin vào những lời quảng cáo hấp dẫn của một số chủ cửa hàng livestream bán hàng hiệu, chị Lê Thị Hạnh, 43 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ: “Mình phải thừa nhận hiếm có cái gì rẻ mà lại đẹp và tốt được. Mình hay xem livestream, thấy một số shop thường xuyên quảng cáo bán hàng hiệu giảm giá. Hôm đó mình đã đặt mua chiếc váy của hàng thời trang nổi tiếng Zara nhưng chỉ với giá 210.000 đồng. Đến khi nhận hàng thì ngậm đắng nuốt cay vì chiếc váy nhìn chả khác nào mớ giẻ lau”.

Hàng giả, hàng nhái có thể ngập tràn trên các livestream và dần trở thành “mảnh đất” màu mỡ của người bán một phần nguyên nhân do cơ quan chức năng không thể kiểm soát. Bởi phần lớn đối tượng bán hàng giả, nhái trên mạng xã hội đều không có địa điểm, trụ sở cố định nên việc tìm kiếm để kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, vào cuối tháng 5-2021, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, các đội quản lý thị trường của Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chia nhiều điểm kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh quần áo, giày túi, ví... trên phố cổ Hà Nội.

Hơn 2.300 sản phẩm gồm áo, quần, mũ, dép, áo sơ mi, túi, ví, thắt lưng da giả mạo nhãn hiệu Burberry, Gucci, Chanel, LV, Hermes, Dior, Valentino, Salvatore Ferragamo... tại các cửa hàng TMQ số 23 Hàng Ngang, SIS Mai Linh số 3 Hàng Điếu, số 71 Hàng Đường, 111 Hàng Bông, 27 Hàng Cá, 46 Hàng Cân... đã được lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ chờ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên thì việc xử lý xâm phạm quyền và giả mạo sở hữu trí tuệ còn bất cập khi chưa có hướng dẫn cụ thể về quy mô thương mại; các vụ việc tái phạm trị giá hàng hóa vi phạm dưới 200 triệu đồng không xử lý hình sự được... dẫn đến các đối tượng lợi dụng cố tình tái phạm nhiều lần nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Không chỉ người bình thường có hành động kinh doanh “xổi” mà ngay cả những người nổi tiếng cũng dựa vào uy tín của mình để bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Mới đây, vào ngày 4-6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cửa hàng Quỳnh Quỳnh (tổ 13, khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vì bán hàng nghìn mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci trên mạng xã hội.

Page quảng cáo túi hàng hiệu giá rẻ.

Đây là cửa hàng do Tạ Thị Quỳnh Anh (vợ của một diễn viên) là người đại diện ngành, nghề kinh doanh mua bán quần áo may sẵn, mỹ phẩm. Lợi dụng sự nổi tiếng của chồng mình, Quỳnh Anh đã có hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả nhãn hiệu Chanel đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam trên môi trường internet.

Cửa hàng này đã kinh doanh 10.300 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 60,5 triệu đồng.

Tại đây, chủ kinh doanh cũng đăng bán 1.118 chai dầu thơm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 29,5 triệu đồng.

Một người nổi tiếng khác là người mẫu T.T cũng bị tố là lên mạng livestream bán hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng như LV, Hermes, Chanel... với giá chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Ngoài ra, T.T còn bán cả sản phẩm kem trị nám, dầu gội và thực phẩm chức năng.

Gian nan xử lý

Mới đây, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng công an, tổng tấn công vào 8 địa điểm đã được trinh sát trên địa bàn Hưng Yên và Hà Nội thu giữ hàng chục tấn hàng phần lớn không có giấy tờ hợp pháp.

Mũi thứ nhất do ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường trực tiếp chỉ đạo kiểm tra kho hàng hóa quy mô lớn do ông Trần Tiến Quang đứng tên chủ kho thuê tại Hưng Yên. Chủ cơ sở đã nhập các mặt hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản về Việt Nam qua cảng Hải Phòng và tập kết hàng hóa tại Hưng Yên. Tại đây, hàng hóa được xé lẻ, chở bằng xe tải về tập kết tại một số điểm ở thành phố Hà Nội để tiêu thụ, kiếm lời.

Vừa bị xử phạt ngày 22-6 nhưng shop online vẫn tiếp tục livestream.

Ngoài ra, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ qua các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là livestream bán hàng qua các fanpage “Chego Shop - Thế giới hàng Nhật”, “Chego hàng Nhật EU” và giao dịch thông qua các ứng dụng trên điện thoại như Zalo, Viber.

Kiểm đếm tại hiện trường, lực lượng chức năng đã ghi nhận 93.400 đơn vị sản phẩm, chủ yếu mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng và rượu do nước ngoài sản xuất.

Cùng thời điểm trên, lực lượng quản lý thị trường tổ chức 7 mũi kiểm tra tại các điểm kinh doanh và tổng kho nằm rải rác ở các vị trí khác nhau tại Hà Nội. Tại kho chứa hàng đặt ở quận Long Biên do ông Bùi Quyết Thắng làm chủ, lực lượng chức năng thu giữ 3.200 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ, trị giá gần 400 triệu đồng.

Tại địa điểm khác là “Shop Thủy Top” cũng do ông Bùi Quyết Thắng làm chủ kho, lực lượng chức năng ghi nhận 495 sản phẩm quần, áo, thắt lưng các nhãn hiệu Gucci, Chanel, LV... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam với trị giá 60 triệu đồng. Những mặt hàng này hầu hết được bán qua livestream, Facebook với hàng chục nghìn người theo dõi.

Kiểm tra kho hàng do ông Trần Đức Quân làm chủ ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 22.029 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như các hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Ước tính lô hàng vi phạm có trị giá trên 5,5 tỷ đồng.

Tiếp tục kiểm tra tại cơ sở kinh doanh ở quận Long Biên do bà Vũ Thị Thanh Mai làm chủ, lực lượng chức năng ghi nhận có nhiều các sản phẩm sữa hộp như Ensure, Aptamil, Meji, Pedia sure cùng các sản phẩm thuộc nhóm mỹ phẩm đựng trong các thùng carton. Theo chủ cơ sở, đây là các mặt hàng được cơ sở nhập lại từ các doanh nghiệp nhập khẩu. Tại buổi làm việc, chủ cơ sở xuất trình cho đoàn kiểm tra nhiều hóa đơn, chứng từ về sản phẩm. Tiến hành đối chiếu với hóa đơn, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 4.310 sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm không có hóa đơn chứng từ.

Có thể nói, đây là cuộc tổng tấn công có quy mô lớn nhất của lực lượng quản lý thị trường vào hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội. Trước đó, còn nhiều kho hàng giả hàng nhái bị đánh sập nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển, bởi sự phát triển của công nghệ thông tin, các chủ hàng không chỉ đăng bán trên Facebook, các sàn thương mại điện tử mà còn đổ bộ sang Zalo, Tiktok...

Vì không có địa chỉ rõ ràng nên việc tiếp cận của lực lượng chức năng là phải xác minh được địa chỉ IP Facebook vì hoạt động bán hàng online rất chuyên nghiệp, việc vận chuyển cũng được phối hợp với các đơn vị chuyển phát rất nhanh chóng. Thế nên, việc xử lý gặp khá nhiều khó khăn.

Tạ Quỳnh Anh từng bị xử phạt vì bán nước hoa giả nhãn hiệu nổi tiếng.

Cũng theo các chuyên gia, bán hàng trực tiếp qua mạng xã hội là hình thức tự phát, không qua kiểm duyệt, các chủ kinh doanh bán hàng qua mạng không có địa chỉ cụ thể rõ ràng là những lý do khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát.

Theo luật sư Giáp Quang Khải, Đoàn Luật sư Bắc Giang thì theo Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, nếu livestream để bán hàng giả thì tùy đối tượng và giá trị hàng hóa có thể bị xử phạt cao nhất là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Người bán có thể bị phạt các hình thức bổ sung khác như tịch thu tang vật, buộc nộp lại tiền thu lợi bất chính... Nếu việc mua bán này ở quy mô lớn, tùy theo giá trị tài sản thu lợi bất chính và hậu quả gây ra, hành vi sản xuất, mua bán hàng giả có thể bị phạt đến 15 năm tù.

Tuy nhiên, trong hầu hết những vụ việc được xử lý, người bán hàng giả, hàng nhái chủ yếu chỉ phải nộp phạt hành chính. Tính răn đe chưa nghiêm nên nhiều chủ hàng vẫn bất chấp, kinh doanh bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, thách thức cơ quan pháp luật. Và để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng hãy là những người thông thái, hãy đến những nơi uy tín, có thương hiệu để mua sắm, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng, tố cáo hành vi vi phạm hàng giả, hàng nhái, góp phần làm trong sạch thị trường.

Theo An ninh Thế giới/ CAND