Người Trung Quốc chuộng sâm rừng Mỹ bởi nhân sâm châu Á chủ yếu là sâm trồng với chất lượng thấp. Loại sâm Mỹ 20 năm tuổi có giá trị cao tương đương với đá quý.

Câu chuyện của David Presnell bắt đầu cũng như Travis Cornett, người bị Presnell trộm sâm. Vào những năm 1970, khi vẫn còn là một đứa trẻ, ông thường cùng cha vào rừng tìm loài cây này.

“Chúng tôi dành toàn bộ thời gian để tìm sâm rừng”, người đàn ông 52 tuổi với mái tóc màu xám nâu và khuôn mặt nhăn nheo nói. Châm một điếu thuốc rồi nhìn chằm chằm về phía xa, trông ông già hơn tuổi thật.

“Bố tôi từng dùng nó để mua quần áo và thức ăn. Đó là cách mà chúng tôi sinh sống”, Presnell kể.

Sự thay đổi của thời đại khiến những người như ông khó chấp nhận. Thực tế, 65% tìm sâm tại những nơi bị cấm, 20% thu hoạch trái mùa vụ và 82% bị khai thác khi chưa đến 5 năm tuổi, chỉ hơn 1% các nhà máy thu thập nhân sâm hợp pháp. 

{keywords}

Nhân sâm ngày nay chủ yếu được trồng trong các trang trại theo lối công nghiệp, có chất lượng và giá thành kém hơn nhân sâm mọc hoang.

Bên cạnh đó, heroin và ma túy tổng hợp cũng khiến vấn nạn trộm sâm tăng cao. Cảnh sát nói rằng những người cần tiền mua thuốc sẵn sàng ăn cắp bất cứ thứ gì có thể đổi thành tiền mặt một cách nhanh chóng, từ đồng đến nhân sâm.

Hayes, chủ công ty buôn bán dược liệu Ridge Runner Trading, từng nhiều lần thấy các con nghiện xuất hiện tại kho của ông cùng với nhân sâm. “Họ mang theo những rễ non, giá trị không cao. Họ đã lôi chúng ra khỏi mặt đất. Xước xát nhiều đồng nghĩa rằng họ hành động rất vội vàng”, Hayes nói.

Doanh nhân này tuyên bố không mua nhân sâm từ những người mà ông nghi ngờ sử dụng ma túy.

Ngoài ra, kinh doanh nhân sâm từng lên truyền hình khiến nhiều người nổi lòng tham. Vì vậy, quy tắc đầu tiên của việc trồng sâm là không nên nói về nó và "tốt nhất đừng kể với ai".

Thị trường tiềm năng

Buôn bán nhân sâm bắt đầu tại Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 18. Năm 1784, chuyến tàu đầu tiên chở 30 tấn nhân sâm rời khỏi New York đến Trung Quốc. Lợi nhuận thu được là 25% giá trị chuyến hàng. Các thương nhân Mỹ bị thu hút đầu tư vào mặt hàng tiềm năng này.

Từ năm 1821 đến năm 1899, Mỹ xuất khẩu trung bình 190 tấn/năm. Nhân sâm không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho những doanh nhân giàu có mà còn mang về thu nhập thường xuyên cho những gia đình tại Appalachian, khu vực cách xa cảng và trung tâm thương mại.

Việc khai thác dần đi vào quy tắc, đặc biệt sau khi Mỹ tham gia Công ước về buôn bán các loài động thực vật hoang dã quốc tế (CITES) vào năm 1974. Chính phủ thắt chặt khai thác với các quy định như giấy phép và thời gian khai thác cũng như yêu cầu người dân tái gieo trồng sau thu hoạch.

Đại lý phải đăng ký kinh doanh và phân biệt nhân sâm thu hoạch hợp pháp. Ngoài ra, chính phủ liên bang cũng kiểm tra nhân sâm trước khi xuất khẩu. Những năm cuối thập kỷ 90, Mỹ quy định nhân sâm thu hoạch phải đạt ít nhất 5 năm tuổi.

Nhận thấy tiềm năng, nhiều người chuyển sang trồng sâm, trong đó phải kể đến, Paul Hsu, một người nhập cư Đài Loan. Ông trở thành người trồng sâm nhiều nhất tại Mỹ.

{keywords}

Loại sâm Mỹ 20 năm tuổi là mặt hàng có giá trị cao tương đương với đá quý hoặc tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Health Line.

Khi Trung Quốc tư nhân hóa các ngành công nghiệp và mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, tài sản cá nhân tăng mạnh kéo theo sự phát triển của tầng lớp trung lưu, thúc đẩy nhu cầu với hàng hóa thương mại, gồm nhân sâm. Mức độ “cuồng nhiệt” với loại cây này cao đến mức, nó xuất hiện trong mọi sản phẩm, từ thuốc đến mỹ phẩm và đồ uống.

Sâm mọc hoang đặc biệt trở nên đắt giá. Nhân sâm châu Á chủ yếu là sâm trồng với chất lượng thấp. Điều này khiến sâm rừng của Mỹ trở thành sản phẩm cao cấp, được coi là sạch và an toàn.

Sâm rừng thường được khai thác ở độ tuổi 10 năm với mức giá trung bình vào năm 2015 là khoảng 1.900 USD/kg. Loại sâm trồng trong trang trại như của Hsu tại bang Wisconsin - thu hoạch sau khoảng 3 đến 4 năm - chỉ có giá trên dưới 100 USD/ kg. Trong khi đó, những sản phẩm như của Cornett có mức giá cao hơn do hạt giống được gieo trực tiếp trong rừng hoặc thêm một số loại phân bón. Tùy thuộc vào hương vị và chất lượng, mức giá có thể tương đương sâm mọc hoang.

Nguy cơ tuyệt chủng

Những năm gần đây, số liệu thống kê buôn bán nhân sâm khá ảm đạm. Sản lượng xuất khẩu của Mỹ giảm nhanh chóng, không phải vì thiếu nhu cầu. Gary Kauffman, một nhà thực vật học của Sở Lâm nghiệp Mỹ, cho biết tại những khu vực hoang dã mà ông quan sát ở bang North Carolina, mật độ nhân sâm giảm 25-30% trong thập kỷ qua.

Ngoài việc khai thác ồ ạt, nạn phá rừng và tình trạng phát triển của loài hươu đuôi trắng ăn nhân sâm đang góp phần vào sự biến mất của loài cây này. Biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ đẩy nhanh quá trình. Sara Souther, nhà bảo tồn sinh học, cho biết, tăng 1 độ C trong vòng 70 năm tới sẽ tác động mạnh tới nhân sâm mọc hoang với nguy cơ suy giảm số lượng đến 65%.

“Việc sẽ xảy ra trong 50-100 năm tới là sâm rừng sẽ bị xóa sổ. Tôi nghĩ điều đó không thể tránh khỏi”, bà nói.

Chính quyền các bang cùng một số nhà khoa học đã tiến hành nhiều biện pháp khắc phục tình trạng nhưng chỉ như muối bỏ biển. Nhiều người suy đoán để bảo vệ loài cây này, Mỹ có thể tiến đến cấm hoàn toàn xuất khẩu sâm rừng. Tuy nhiên, động thái này có thể tạo ra tình trạng bán tại chợ đen với giá gấp 2-3 lần hiện tại.

Eric Burkhart, một nhà thực vật học tại Đại học bang Pennsylvania, cho rằng thay vì tăng thêm quy định, chính phủ không nên tập trung vào việc trồng nhân sâm trong rừng. Điều này vừa giúp tăng nguồn cung, vừa tăng chất lượng.

Tuy nhiên, phương án này cũng là một canh bạc bởi các nhà đầu tư phải chờ nhiều năm mới có thể thu hồi vốn trong khi dịch bệnh hoặc kẻ trộm có thể phá hỏng nỗ lực của họ bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, Hayes gợi ý chính phủ nên phân phối hạt giống miễn phí cho những người đào sâm tuân thủ pháp luật trong vụ thu hoạch để họ gieo giống.

Tác dụng "thần thánh" của nhân sâm là lý do tại sao người tiêu dùng Trung Quốc không băn khoăn về tình trạng khai thác ồ ạt ở Mỹ. Thời gian gần đây, tuy nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá nhưng bằng kinh nghiệm, Cornett cho hay thị trường nhân sâm luôn hồi phục.

(Theo Zing)