Diễn đàn “Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024” vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Amazon Global Selling phối hợp tổ chức ngày 26/6 tại Hà Nội, nhằm mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt.
Ông Hoàng Ninh, Trưởng Phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Các chính sách phát triển kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam đã tạo ra nhiều thuận lợi giúp doanh nghiệp thương mại điện tử “bứt tốc”, từ việc hoàn thiện khung pháp lý tới hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới…
Song, bên cạnh thuận lợi vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như: Thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách; Vấn đề niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật thông tin; Hạ tầng công nghệ chưa đồng đều; Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; Khó khăn trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới…
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu tới năm 2025: 55% dân số mua sắm trực tuyến; Doanh số thương mại điện tử B2C đạt 35 tỷ USD; Thanh toán không dùng tiền mặt đạt 50%...
Dự kiến tới năm 2025 sẽ đạt được những kết quả đáng chú ý: 61% dân số mua sắm trực tuyến (cao hơn mục tiêu đề ra – 55%); Giá trị mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến trung bình 475 USD/người/năm (thấp hơn so với mục tiêu – 600 USD/người/năm); Doanh thu thương mại điện tử đạt 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước…
Cũng theo ông Ninh, Bộ Công Thương vừa xây dựng xong dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 11/2024.
Nhiều mục tiêu được đề xuất trong dự thảo: 70% dân số mua sắm trực tuyến đạt; 70% doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử (khoảng 500.000 doanh nghiệp); 100% giao dịch có hóa đơn điện tử; Thanh toán không dùng tiền mặt đạt 80%; 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; 1 triệu lượt học viên tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử...
Trong đó, nhiều mục tiêu khá khó như: Chi phí trung bình cho giao hàng chặng cuối chiếm khoảng 8 – 15% doanh thu; Các địa phương ngoài Hà Nội, TP.HCM chiếm 60% giao dịch điện tử B2C; 70% các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chuyên ngành liên quan thương mại điện tử…
“Thời gian tới, rất mong có sự chung tay đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, giúp thương mại điện tử phát triển bền vững, qua đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số tại Việt Nam”, ông Ninh bày tỏ.
Đại diện cho một thương hiệu lớn về thương mại điện tử đã có 5 năm tích cực hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt xuất khẩu trực tuyến, ông Phạm Duy Hưng, Giám đốc Chính sách công của Amazon Global Selling Vietnam rất tâm đắc với Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia tại Việt Nam.
“Mục tiêu 70% các trường đại học có chương trình đào tạo về thương mại điện tử nếu được hiện thực hóa sẽ rất tuyệt vời, góp phần phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trong thời gian tới. Hiện một số trường đại học hàng đầu tại Việt Nam đã quan tâm tới câu chuyện đào tạo thương mại điện tử xuyên biên giới. Mới đây, Amazon Global Selling Vietnam vừa có buổi làm việc với Đại học FPT về chủ đề này”, ông Hưng chia sẻ.
Tuy nhiên, đại diện Amazon Global Selling Vietnam cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cùng các tổ chức, hiệp hội liên quan quan tâm, hỗ trợ thêm để các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới có thể được bảo hộ và phát triển thương hiệu tại các thị trường quốc tế.
Ngoài ra, sau khi Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 được phê duyệt, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có hướng dẫn triển khai cụ thể.
Bình Minh