Các chuyên gia tại hội thảo “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” cho rằng, việc giám sát, kiểm soát xả thải tại các khu công nghiệp của cơ quan chức năng đang tồn tại nhiều bất cập.

Trao đổi tại cuộc hội thảo do Tổ chức Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức sáng nay, 10/5, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc giám sát xả thải tại các khu công nghiệp là điểm mà Việt Nam còn nhiều “thiếu sót” và có “vấn đề”.

{keywords}
GS Đặng Hùng Võ.

Ông Võ phân tích ví dụ từ hiện tượng cá chết miền Trung, khi nghi vấn đổ dồn về phía Formosa thì việc kiểm tra hệ thống xả thải tại tập đoàn này đã cho thấy việc kiểm soát xả thải đang có nhiều thiếu sót.

Theo ông Võ, giấy phép xả thải mà Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp thì Formosa không được thải thẳng ra biển mà phải thải ra sông Quyền rồi từ sông Quyền mới chảy ra biển. “Nếu xả ra sông Quyền thì có thể kiểm soát ô nhiễm môi trường tốt hơn là xả ra ngoài biển”, ông Võ nói.

“Việc xả thải cắm thẳng ra biển có được giám sát hay không giám sát trong quá trình xây dựng, cái đó Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phải nắm được. Tại sao lại có sự xảy ra khác với giải pháp nêu ra trong giấy phép xả thải? Rõ ràng câu chuyện kiểm soát ở đây đang có cái gì đấy thiếu sót”, ông Võ khẳng định.

Từ đó, ông Võ cũng cho rằng, dư luận hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về việc có tham nhũng gì trong công tác xả thải ở Formosa hay không. “Liệu có tham nhũng hay không? Chúng ta có quyền đặt câu hỏi”, ông Võ nói.

“Qua sự việc tại Formosa có thể thấy việc giám sát xả thải của chúng ta đang rất rời rạc, không có kết nối trung ương địa phương, việc kiểm tra thường xuyên cũng không có. Rõ ràng, Sở TN&MT Hà Tĩnh đang thể hiện thiếu trách nhiệm”, ông Võ cho hay.

Về giải pháp, ông Võ cho rằng, cần phải tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và người dân vào quá trình giám sát xả thải công nghiệp vì tai mắt của người dân là rất quan trọng. “Hiện chỉ có Luật đất đai có một điều luật riêng cho phép người dân tham gia giám sát trực tiếp. Luật Bảo vệ Môi trường vừa thông qua không có điều luật này”, ông Võ khẳng định.

Đồng tình với GS Võ, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương cho rằng, Việt Nam ban hành rất nhiều các quy chuẩn, quy định nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập. “Chung ta ban hành văn bản thì nhiều nhưng công cụ và năng lực của cơ quan theo dõi giám sát còn chưa đạt”, ông Sinh nói.

Ông Sinh cho rằng, không thể trông đợi doanh nghiệp có tính tự giác trong việc bảo vệ môi trường, nhất là đối với các doanh nghiệp châu Á, nơi ý thức bảo vệ môi trường còn kém. “Thời gian qua có nhiều thông tin cho thấy, có những nhày máy xi măng ban ngày cho vận hành hệ thống xử lý nước thải nhưng đến tối lại cho xả trộm là chuyện thường xuyên xảy ra. Do đó, khi có đoàn vào kiểm tra thì vận hành tốt, nhưng đoàn về thì lại đâu vào đấy”, ông Sinh nêu ví dụ.

Từ đó, ông Sinh cho rằng, cần có sự điều chỉnh đối với năng lực kiểm soát xả thải của các doanh nghiệp cũng như các khu công nghiệp của các cơ quan chức năng.

Từng là người chịu trách nhiệm trong công tác kiểm soát ô nhiễm, ông Trần Thế Loãn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm soát Ô nhiễm, Bộ TN&MT chia sẻ rằng, quy định của Việt Nam nhiều nhưng năng lực của các cơ quan thực thi lại chưa đáp ứng được nên “mới có chuyện này chuyện kia”.

Theo ông Loãn, số lượng các vụ xả thải gây tác động đến môi trường bị phát hiện đang thấp hơn nhiều so với thực tế.

Về vấn đề giám sát tự động, ông Loãn cho rằng, mặc dù quy định đã có từ năm 2008 nhưng tới nay, sau gần 7 năm thực hiện thì mới chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp thực hiện được. Tuy nhiên, do các hệ thống quan trắc tự động này do chính doanh nghiệp đầu tư nên không thể quản lý sâu sát được. “Anh nào có điều kiện kinh tế thì đầu tư, hoặc địa phương nào cơ quan môi trường tích cực ép thì đầu tư”, ông Loãn cho hay.

Chúng ta đang nóng lòng phát triển kinh tế hơn là bảo vệ môi trường

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, các quy chuẩn của Việt Nam về môi trường đang để ở mức thấp để mời gọi đầu tư, vị trí đặt các khu công nghiệp, quy hoạch các khu kinh tế biển cũng cho thấy sự ưu ái rõ rệt cho việc phát triển kinh tế hơn là bảo vệ môi trường.

Các khu kinh tế được đặt ở ven biển vì thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng chưa đề cập tới khâu bảo vệ môi trường. Việc đặt các nhà máy lọc dầu, các nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép ở ven biển là rất nguy nhiểm.

“Rõ ràng về quy hoạch chưa cân nhắc, mới cân nhắc lợi ích kinh tế chứ chưa nghĩ đến môi trường”, ông Võ nói.

Lê Văn (ghi)