{keywords}
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đang xây dựng. Ảnh: Infonet

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Tính đến tháng 9/2020, tỷ lệ rác thải thu gom tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 90%. Tuy vậy, chỉ có khoảng 11% khối lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện); còn lại đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Để xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày, năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã lên kế hoạch thu hút đầu tư, xây dựng 5 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động, trong đó có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn rộng hơn 157ha, nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, phục vụ nội đô, các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì. Riêng chất thải rắn công nghiệp phục vụ xử lý liên tỉnh (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hưng Yên).

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được chấp thuận đầu tư từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng bằng vốn nước ngoài. Đây là một trong những công trình trọng điểm của Hà Nội, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm và dự kiến công suất phát điện khoảng 75 MW điện/giờ, được đánh giá là dự án điện rác có quy mô lớn hàng đầu thế giới. Dự án này do CTCP Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.

Ông Lý Ái Quân, đại diện Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý, cho biết: "Dự án này được Nhà nước phê duyệt quy hoạch vào điện 7. Dự kiến nguồn điện năng làm ra sẽ sử dụng chính cho công ty; một phần còn lại chúng tôi sẽ phát vào mạng lưới điện quốc gia. Công ty Thiên Ý cũng đã ký hợp đồng với Công ty điện lực Việt Nam".

Dù vậy, dự án chậm so với tiến độ cam kết do dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn. Ông Lý Ái Quân chia sẻ hồi tháng 9 rằng, vấn đề lớn nhất là nguồn nhân lực, đặc biệt trong các tháng 7-8 vừa qua, theo kế hoạch là những tháng cao điểm, có tính quyết định đến tiến độ của dự án. "Để thực hiện tiến độ theo kế hoạch, trong những tháng này, chúng tôi cần có 1.500 - 1.700 công nhân làm tại công trường. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi chỉ có 600 - 700 công nhân trực tiếp làm tại công trường".

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản hỏa tốc về việc tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 08-TB/TU ngày 30/10/2020 về một số vấn đề liên quan đến Khu liên hợp (KLH) xử lý chất thải Sóc Sơn.

Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát chủ đầu tư thực hiện các dự án đốt rác, đề xuất thay thế các nhà đầu tư không đủ năng lực; làm việc cụ thể với các nhà đầu tư về tiến độ thực hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để bảo đảm đưa dự án vào hoạt động sớm nhất, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/11 tới.

Thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng cùng các sở, ngành tổng hợp tình hình giải quyết các thủ tục cho Nhà máy điện rác Sóc Sơn, làm rõ các thủ tục đã, đang giải quyết, những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp, giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án này, hoàn thành, đưa vào vận hành trong tháng 1/2021; kiểm tra, hoàn thành thủ tục tiếp nhận nhà máy đốt rác công nghiệp do Nhật Bản tài trợ đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả đầu tư, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20/11.

UBND Thành phố nhấn mạnh, đây là công tác rất quan trọng và cấp bách. Các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị có liên quan cần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện.

Hải Lam

Điện rác được triển khai ở Hậu Giang

Điện rác được triển khai ở Hậu Giang

Nhà máy điện rác Hậu Giang sẽ xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải nông ngiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, đồng thời phát điện lên lưới điện quốc gia.