Mới đây Viện Năng suất Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Các nỗ lực nâng cao năng suất và vai trò của tổ chức năng suất quốc gia - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế”. Trong sự kiện này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ mục tiêu phát triển dự kiến của Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến 2030.
Về cơ bản, theo trang web của Viện Năng suất Việt Nam, năng suất lao động sẽ là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng; gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.
Về chỉ tiêu cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân từ 6,5-7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động của vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước; nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào 2030; năng lực đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 40 nước; chính phủ điện tử thuộc nhóm 60 nước hàng đầu.
Định hướng và giải pháp là thúc đẩy năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, phân cấp quản lý; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới (bao gồm công nghệ số) và phát huy đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động; đẩy nhanh quá trình chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức; nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về năng suất lao động quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Trong khi đó, chia sẻ thêm về các thách thức cản trở tăng năng suất ở Việt Nam, PGS. TS Vũ Minh Khương đến từ Đại học Quốc gia Singapore đã đưa ra một số nguyên nhân như Việt Nam thiếu một chiến lược hiệu lực để thúc đẩy tăng năng suất; hay Việt Nam thiếu một thiết chế có đủ quyền hạn, thiếu nguồn lực để chịu trách nhiệm thúc đẩy tăng năng suất.
Anh Hào