Nghịch lý ‘nơi sáng tạo nhất cũng là nơi kỷ luật nhất’
Công ty công nghệ dẫn đầu trong lĩnh vực sáng tạo, Google, có thể là giấc mơ của hàng triệu chuyên viên công nghệ toàn cầu. Nhưng tại đây không ít nhân viên phải vất vả đạt đủ KPI sáng tạo với nỗi lo bị buộc thôi việc. “Ông lớn” này đang lên kế hoạch sa thải dần 10.000 nhân viên có chất lượng làm việc kém, như một phần trong kế hoạch cải thiện hiệu suất sáng tạo của toàn tổ chức.
Có nên hay không việc sử dụng KPI sáng tạo? Dù sự hiện diện của KPI có thể là điều phiền toái với một số nhân viên, hoạt động sáng tạo vẫn cần gắn liền với những thước đo. Theo nghiên cứu của Deloitte, 2/3 các công ty theo đuổi đổi mới để phát triển hoặc tạo sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh, trong khi một nửa đổi mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thiếu đi khuôn khổ, ý tưởng sẽ bị xa rời thực tế, thậm chí đi khỏi định hướng chung của tổ chức, do vậy không có giá trị sử dụng.
Bà Holly Alexander - Giám đốc Sản xuất và Chiến lược của CHE Proximity Úc cho biết, quá trình sáng tạo thường được thành hình và xuất hiện trong khuôn khổ - nơi mọi thứ có định hướng cụ thể và mục tiêu rõ ràng. Vậy câu hỏi được đặt ra là: “Đặt KPI sáng tạo thế nào để nó là động lực, thay vì áp lực khiến nhân viên kiệt sức?”
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet đưa ra gợi ý cho câu hỏi trên: “Không có công thức chung để đo lường hay đánh giá chất lượng cho sự sáng tạo, đổi mới vì mỗi người lao động mang năng lực khác nhau. Sáng tạo, cải tiến hay đơn thuần là thay đổi tuy cần nhiều những tư duy khởi phóng nhưng trong thực tế các doanh nghiệp, sẽ cần được neo lại bằng những chỉ số đo lường được. Nói cách khác, chỉ số KPI sẽ nên là một đích đến cụ thể, còn hành trình đi đến đích của mỗi cá nhân mới chính là yếu tố cần được thực hiện một cách cởi mở. Làm được điều đó, doanh nghiệp mới có thể đạt được kỳ vọng về sự đổi mới nhất quán và đồng bộ.”
Hiểu thiên hướng tư duy - mảnh ghép đầu định hình KPI kích khởi sáng tạo
Như bà Thanh Hương nhận định, mỗi nhân viên sẽ mang những năng lực khác nhau. Cụ thể hơn ở đây, là thiên hướng tư duy và hành động khác nhau. Hai yếu tố này chi phối cách xử lý vấn đề của mỗi nhân viên, để dù đứng trước cùng một KPI sáng tạo, họ sẽ có những cách “giải đề” khác nhau. Vì vậy, nếu nắm bắt được thiên hướng tư duy và hành động của nhân viên, người sử dụng lao động có thể linh hoạt đưa ra các KPI phù hợp, vừa phát huy trọn tiềm năng sáng tạo đổi mới của từng nhân viên, vừa đúng với định hướng chiến lược của tổ chức.
Bà Thanh Hương chia sẻ: “Khi đã hiểu thiên hướng tư duy của nhân viên, doanh nghiệp có thể xây dựng cơ chế sáng tạo với những KPI phù hợp nhằm thúc đẩy những DNA sáng tạo riêng, không thể nào nhầm lẫn của người lao động. Văn hóa sáng tạo cần được kích khởi từ sự chia sẻ, trao đổi đa chiều để mỗi cá nhân đều có thể tự tin trình bày những quan điểm khác biệt. Khi đó, KPI sẽ là động lực chứ không còn là gọng kìm sáng tạo của tổ chức”.
Hiện có đến 80% doanh nghiệp trong Top 500 Fortune đang áp dụng các bài kiểm tra thiên hướng tư duy để tiếp cận linh hoạt cho từng nhân viên. Tỷ lệ này cho thấy rằng cách xây dựng KPI sáng tạo từ những bài test tư duy không còn là xu hướng, mà đã là một phương pháp hiệu quả được thực chứng giúp tạo nên những bộ KPI kích khởi năng lực sáng tạo nơi nhân viên.
Một trong những bài kiểm tra tiêu biểu mà các doanh nghiệp thường sử dụng là Emergenetics. Bài kiểm tra này phân biệt người lao động thông qua 7 thuộc tính khác biệt, được chia thành 4 nhóm thiên hướng tư duy là Phân tích (Analytical), Cấu trúc (Structural), Xã hội (Social), Nhận thức (Conceptual) và 3 nhóm thiên hướng hành động.
Doanh nghiệp có thể tìm đến các đơn vị tư vấn nhân sự uy tín để hiểu thêm về các mô hình tư duy và tiếp cận các bài kiểm tra tư duy được tin chọn bởi những tổ chức hàng đầu. Từ đó, định hình nên hệ thống KPI kích hoạt sáng tạo với từng nhân viên và toàn thể tổ chức.
Thu Hằng