- Giá đất tại khu vực phố cổ ở Hà Nội hay trung tâm TP.HCM lên tới hơn 1 tỷ đồng mỗi mét vuông. Mức giá này ngang ngửa với nhiều khu vực trung tâm của thành phố lớn trên thế giới, đắt hơn cả Tokyo.
Theo dữ liệu vừa công bố trên trang tham khảo giá cả BĐS, giá đất tại Hàng Trống, Hàng Hành đang đắt nhất tại Hà Nội với mỗi mét vuông trung bình 750 triệu đồng, đứng thứ hai là phố Phan Chu Trinh có giá hơn 740 triệu đồng/m2. Phố Nguyễn Biểu có giá hơn 730 triệu đồng/m2, phố Bảo Khánh khoảng 700 triệu đồng/m2.
Đất thuộc các khu phố cổ luôn có giá cao ngất ngưởng bởi lẽ nó không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện cho việc buôn bán. Theo bảng giá các loại đất áp dụng trong 5 năm từ 2015 đến hết 2019 được UBND TP Hà Nội trình lên HĐND thành phố. Mức giá đất ở cao nhất cũng thuộc về đất ở thuộc quận Hoàn Kiếm với giá 162 triệu đồng/mét vuông.
Giá đất tại khu vực phố cổ ở Hà Nội lên tới hơn 1 tỷ đồng mỗi mét vuông. |
So với mức giá tối đa hiện hành mức giá này cao gấp đôi và nếu so với mức giá tối đa theo quy định của Chính phủ ngang bằng. Tuy nhiên, đây vẫn là một mức quá thấp so với giá rao bán và giao dịch thực tế.
Trong khi đó, phố Nguyễn Huệ tại TP.HCM có mức giá 1,1 tỷ đồng/m2. Phố Lê Lợi giá đất vào khoảng 825 triệu đồng/m2, Đồng Khởi là 705 triệu đồng/m2. Phố Lê Anh Xuân có giá khoảng 678 triệu đồng/m2. Tiếp sau đó là Mạc Thị Bưởi, Công trường Lam Sơn, Đông Du, Nam Kỳ khởi nghĩa, Hồ Huấn Hiệp đều trên 550 triệu đồng/m2. 10 tuyến phố có giá đất cao nhất TP.HCM đều thuộc quận 1.
Đơn vị này còn cung cấp top 5 quận có giá đất cao nhất TP HCM dựa trên phương thức tính giá bình quân. Quận 1 tiếp tục là địa bàn dẫn đầu, ghi nhận 205 triệu đồng/m2. Xếp thứ hai là quận 3 đạt 148,3 triệu đồng/m2. Quận 5 và quận 7 lần lượt giữ vị trí kế tiếp, có giá 138-123,5 triệu đồng/m2. Phú Nhuận nằm cuối top 5 với trên 98 triệu đồng/m2.
Xét về tỉnh thành thì TP.HCM có giá đất cao nhất Việt Nam, trung bình trên 45 triệu đồng/m2, Hà Nội đứng thứ hai với trung bình 27,3 triệu đồng/m2. Tiếp theo là Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu. Cần Thơ đứng cuối bảng với mức giá trung bình trên 10 triệu đồng/m2.
Đơn vị này đang cung cấp mức giá cho hơn 70.000 con đường tại 63 tỉnh thành tại Việt Nam, với độ chính xác từ 90% đến 95%, thậm chí là cao hơn. Giá trị tìm kiếm định giá trong cả hệ thống khoảng 700-1.000 tỷ đồng.
Giá đất tại khu vực phố cổ hay ở Hà Nội hay trung tâm TP.HCM ngang ngửa với nhiều khu vực trung tâm của thành phố lớn trên thế giới. |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, thực tế có nhiều giao dịch có mức giá cao hơn so với công bố trên. Cũng chính bởi mức giá quá "khủng" này, nên hầu hết các khu đất tại phố cổ gần như rất ít được giao dịch mua bán, hoặc đền bù khá tốn kém.
Tháng 7/2011, dư luận cả nước sục sôi với thông tin, Tân Hoàng Minh đền bù 1 tỷ đồng/m2 đối với dự án 22-24 Hàng Bài (Hà Nội). Theo khung giá đất thành phố Hà Nội ban hành thời điểm 2011, mức cao nhất ở trung tâm quận Hoàn Kiếm là 81 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh đã chi tới 47 tỷ đồng để đền bù cho khu đất “vàng”. Mức giá đền bù cao nhất là 1 tỷ đồng/m2 được coi là kỷ lục ở Hà Nội.
Đất vàng tại TP.HCM cũng không thua kém. Các khu đất vàng tại Sài Gòn bất ngờ nóng lên khi mới đây, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng một đối tác khác trở thành chủ nhân của khu tứ giác có vị trí đắc địa tại Tp.HCM là Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế.
Qua giai đoạn khủng hoảng nhưng “đất vàng” tại các khu vực đắc địa của Hà Nội hay TP.HCM giá vẫn không hề suy chuyển. Thậm chí, giá đất tại đây có thể sánh ngang hàng với các thành phố lớn trên thế giới.
Giá nhà đất cũng là một trong sáu nghịch lí của thị trường bất động sản Việt Nam mà GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng đề cập tới. Theo GS. Đặng Hùng Võ, giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập trung bình năm của người lao động.
Duy Anh