- Mẹ tôi vay ngoài của hai người quen 1 số tiền và thế chấp mảnh đất hiện có dù giá mảnh đất đắt hơn số tiền nợ rất nhiều. Sau đó mẹ tôi tiếp tục vay nhà nước theo diện chính sách số tiền 300 triệu, đến hạn trả lần 1 là 60 triệu.

Do không có tiền trả, mẹ tôi định bán đất nhưng bị 2 chủ nợ đòi tiền và kiện lên tòa. Xin hỏi giờ mẹ tôi có được phép bán đất để trả nợ cho cả 2 người kia và ngân hàng được không?

{keywords}
Ảnh minh họa

Thứ nhất: Về Nghĩa vụ trả nợ vay.

Nghĩa vụ của bên vay tài sản theo Bộ luật Dân sự 2015 Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trường hợp của bạn là vay có lãi, cho nên đến hạn mẹ bạn không trả đầy đủ thì mẹ bạn phải trả lãi trên nợ gốc. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này. Mẹ bạn và bên vay nên thỏa thuận việc trả nợ khoản vay và thời gian trả nợ.  

Thứ hai: Xử lý tài sản thế chấp

Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nghĩa vụ của bên thế chấp là thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này. Căn cứ quy định trên việc bán quyền sử dụng đất để trả nợ cần có sự thống nhất với bên nhận thế chấp trong đó có ngân hàng và các bên có nhận thế chấp.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc