Mua hàng qua mạng thường đi kèm những rủi ro không lường trước. Không ít người rơi vào tình cảnh nước mắt ngắn dài khi hàng nhận được khác xa với ảnh trên mạng.
Đồ ăn, thức uống cũng là một trong những loại hàng dễ dính nhiều rủi ro nhất.
Đến bữa đói bụng mà quá bận rộn, không có thời gian ra ngoài hoặc lười ra quán vi trời nóng thì đặt đồ ăn qua mạng quả là giải pháp tiện lợi.
Không phải đội mưa đội nắng, không mất nhiều thời gian, chỉ cần cầm chiếc điện thoại chọn món, sau đó chờ đợi món ăn yêu thíchđược mang đến tận nơi… Đó là hình dung của các thực khách khi quyết định đặt món qua mạng.
Tuy nhiên, thực tế đôi khi phũ phàng. Trải nghiệm mà chị Đỗ Vân Ly, đến từ Hà Nội chia sẻ trên một diễn đàn của hội yêu ẩm thực là một ví dụ như thế.
Do tính chất công việc kinh doanh bận rộn, không có thời gian nấu nướng nên chị Vân Ly thường xuyên ưu tiên gọi đồ ăn qua mạng.
Chị Vân Ly kể lại: "Trưa hôm qua mình có đặt thử lần đầu ở quán cơm, một suất cơm bò sốt tiêu đen và một suất cơm gà chiên mắm, hy vọng ngon vì quán khá lớn, nằm ngay mặt tiền.
Nhưng khi nhận hàng từ tay anh shipper, mở ra mình ngạc nhiên đến độ thoáng qua trong đầu một suy nghĩ nhỏ nhen rằng anh ấy mua cơm ở hàng khác rồi đem đến cho mình.
Mình gọi điện để xác nhận có phải anh ấy mua cơm ở quán mình đặt không và anh ấy khẳng định đúng. Lên mạng tìm số chủ quán để gọi điện, chị này cũng xác nhận đúng.
Vấn đề ở đây, hai suất cơm giá 51.000 đồng/suất mà mình nhận được thật sự thảm hại. Cơm được nấu bằng loại gạo siêu chán, vừa khô vừa cháy.
Bò sốt tiêu đen là thịt lợn mỏng tang hoặc bò Mĩ chỉ hơn 100.000 đồng/kg nhập buôn, ướp bằng hỗn hợp dở tệ mà mình ước không bao giờ gặp lại lần thứ hai trong đời.
Gà chiên mắm là vài mẩu xương khô khốc chặt thành 5 miếng, gà cũ để tủ lạnh chứ không tươi. Mình tưởng tượng nhân viên bê suất cơm này ra cho thực khách ngồi tại chỗ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Thử được một miếng, dù bụng đang đói cồn cào cũng buộc lòng phải bỏ tất cả không ăn được".
Hai phần cơm mà chị Ly nhận được khác xa so với hình dung |
Theo chị, với số tiền 102.000 đồng bỏ ra tuy không nhiều, nhưng chị nghĩ khách hàng xứng đáng nhận được đúng phần ăn như quảng cáo.
Quá bức xúc, chị phản hồi với chủ quán và càng ngao ngán hơn khi nhận được lời giải thích mà theo khổ chủ là hoàn toàn "cho có", không giải quyết được vấn đề:
"Chủ cửa hàng xin lỗi , bảo đó là sơ suất, do nhân viên của quán... làm không đều tay nên để xảy ra việc chia suất không đồng đều. Còn mình thấy không ngon là vì "khẩu vị mỗi người mỗi khác"!?
Họ nói sẽ rút kinh nghiệm và bảo mình hãy đến quán ăn trực tiếp. Theo ý chị chủ thì khách đến ăn tại quán sẽ được phục vụ phần tươm tất, vì khi đó là "người thật việc thật".
Còn đặt ship về nhà thì chỉ xứng đáng với phần ăn như đồ thừa, dù số tiền không hề rẻ chăng?"
Hình ảnh quảng cáo... |
...suất ăn thực tế nhận được với chỉ đúng 5 miếng...xương gà khô khốc, lèo tèo vài miếng thịt bò mỏng tang |
Cũng là một người kinh doanh đồ ăn online, chị Vân Ly chia sẻ nếu thực sự hối lỗi, chủ nhà hàng nên có động thái đền bù thỏa đáng cho khách hàng, thay vì chỉ "xin lỗi suông".
"Mình bán đồ ăn qua mạng thôi, nhưng hễ khách phàn nàn mà lỗi sai do bên mình, mình đều hoàn tiền cho họ.
Một trăm nghìn không to, nhưng mình quyết chia sẻ sự việc này để không khách hàng nào phải bỏ tiền ra mua sự bực mình, ôm bụng đói làm việc. Nếu cứ dễ dãi, tặc lưỡi cho qua thì vô hình dung đang dung túng cho việc làm ăn chộp giật".
Lời bao biện do "nhân viên chia suất không đều" của chủ quán khiến chị Ly càng tức giận
Về phía nhà hàng, sau khi xảy ra sự việc, chủ quán đã có phản hồi lý giải. Theo đó, chủ quán ăn đã trực tiếp xin lỗi khách hàng và nhận phần sai về mình.
Theo chủ quán C., chị đã đưa ra hướng giải quyết thích cực, đó là mời thực khách trực tiếp đến quán dùng bữa để được phụ vụ tốt hơn: "Bạn Ly nói suất cơm của bên mình phần cốt có giá vốn chưa đến 5.000 đồng, điều đó là không đúng.
Bạn ấy cũng kinh doanh đồ ăn nên chắc hiểu rõ phần cơm này vốn bỏ ra là bao nhiêu, nên mình không giải thích thêm. Bên mình đã nhận lỗi, mời bạn ấy đến quán dùng bữa vì suất cơm chia trên dĩa sẽ khác cơm mang về nhà.
Nhưng dường như bạn ấy muốn đẩy sự việc đi xa theo một hướng tiêu cực, thế nên bên mình không bình luận thêm".
Câu chuyện hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm và nhiều lượt bình luận từ cộng đồng mạng, bởi đây là tình huống mà không ít người từng gặp phải.
(Theo Thế giới trẻ)