Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, chương trình đưa xoài xanh Việt Nam tham gia thị trường Úc do Công ty Dalat Import-export (Melbourne) nhập khẩu và phân phối. Sắp tới, chương trình sẽ đồng hành xây dựng thương hiệu xoài xanh Sơn La, khi 25 tấn xoài cập bến.
Xoài xanh Việt Nam được Thương vụ quảng bá là loại quả cung cấp nhiều loại Vitamin thúc đẩy hệ miễn dịch. Hiện các cửa hàng, siêu thị tại khu vực Melbourne, Sydney đang bán xoài xanh Việt Nam được bán với giá khoảng 260.000-290.000 đồng/kg (tùy khu vực).
Một số chuỗi nhà hàng tại Sydney đã trở thành đối tác về ẩm thực xoài xanh với Thương vụ. Các chuỗi này không chỉ đưa xoài xanh vào thực đơn mà còn tình nguyện quảng bá, tiếp nhận đặt mua và giao xoài xanh tận nơi cho khách hàng.
Cũng theo Thương vụ, từ đầu mùa đến nay, việc kết nối giao thương xoài liên tục được thực hiện. Trong bốn tháng đầu năm, xuất khẩu xoài từ Việt Nam sang Úc tăng trưởng mạnh lên đến 36.68% so với cùng kỳ, đạt 275.000 USD. Năm 2020 số lượng xoài xanh Việt Nam xuất sang Úc tăng gấp đôi so với năm 2019.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng thực hiện nhiều hoạt động quảng bá trái xoài như quảng cáo trên mạng xã hội, trên ứng dụng của Thương vụ, vận động cộng đồng mua xoài tại khu vực Sydney và Melbourne,... Đặc biệt, khi khách hàng mùa xoài xanh có cơ hội trúng thưởng nhiều phần cà phê mang thương hiệu của Việt Nam.
Trái Vải tươi của Việt Nam được người tiêu dùng nhiều nước ưu chuộng |
Còn tại Nhật Bản, tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản năm 2021 được tổ chức từ ngày 25-27/6/2021 tại Trung tâm thương mại Aeon Lake Town, tỉnh Saitama (địa điểm chính) và tại 350 cửa hàng trong chuỗi bán lẻ toàn quốc của Tập đoàn AEON Nhật Bản.
Tại đây, nhiều hàng hoá Việt Nam được trưng bày và bán giới thiệu tại Tuần hàng Việt Nam như nông sản, thực phẩm (mỳ tôm, phở khô, bánh tráng, gia vị, cafe...); thủy sản (cá basa trắng), dệt may, da giày, đồ gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, quả vải tươi sẽ tiếp tục là điểm nhấn của chương trình năm nay.
Kể từ năm 2019, sau khi được phép nhập khẩu vào Nhật Bản, quả vải tươi của Việt Nam với hương thơm dịu và vị ngọt đậm đặc trưng được người dân Nhật Bản yêu thích đã được bày bán rộng rãi trên toàn hệ thống siêu thị của AEON cùng các loại hoa quả nhiệt đới khác của Việt Nam như chuối, thanh long, xoài, dừa.
Đạt chuẩn xuất khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ chỗ chỉ xuất khẩu chủ yếu sang thị Trung Quốc qua tiểu ngạch, đến nay quả vải thiều của Việt Nam đã xuất khẩu sang được gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Canada, Australia…
Tính cho đến nay, hàng Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 50 quốc gia là thị trường truyền thống và xuất khẩu chủ lực. Điều này cho thấy, chất lượng hàng Việt đã vượt qua được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… khắt khe nhất của các thị trường khó tính trên thế giới.
Với mặt hàng nông sản, tại những vùng sản xuất tập trung, nông dân đều được đào tạo, tập huấn, thực hành sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và Global GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU…
Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, việc mà các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường. Song song với đó, DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý; coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Liên quan đến quá trình áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp và nông dân mong muốn Nhà nước cùng tham gia. Đề cập đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thông tin, hiện có hơn 1 triệu tiêu chuẩn đã được xây dựng và áp dụng trên toàn thế giới. Thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời đã tham gia 14 tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế. Tiêu chuẩn quốc tế từng bước khẳng định lòng tin trên thị trường tiêu dùng, mang lại lợi ích cho khách hàng, nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
Anh Duy