- PGS.TS Nguyễn Văn Huy, (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), nhận xét đáp án chương trình “Ai là triệu phú” của VTV là đúng.
Trong chương trình “Ai là triệu phú” phát tối ngày 1/3 có một câu hỏi về nhà Rông. Khán giả cho rằng đáp án của câu hỏi này có "vấn đề".
Chương trình “Ai là triệu phú” phát câu hỏi “Nhà Rông thể hiện nét đặc sắc trong kiến trúc của đồng bào dân tộc nào sau đây?”.
Có 4 phương án để người chơi lựa chọn là: Gia rai, Ê Đê, Cơ Tu và Chăm.
Người chơi chọn đáp án B (Ê Đê) khi đang ở câu hỏi 12 (đang sở hữu 30 triệu đồng).
Đáp án được MC Lại Văn Sâm đưa ra là A (Gia Rai).
Theo luật của chương trình, người chơi đã phải ra về với phần thưởng ở mốc câu hỏi 10 (với 22 triệu đồng).
Người chơi chọn Ê Đê, còn MC Lại Văn Sâm khẳng định đáp án duy nhất là Gia Rai |
Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng câu hỏi và đáp án này không đầy đủ và chính xác.
Sáng ngày 2/3, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), nhận xét đáp án chương trình “Ai là triệu phú” của VTV là đúng.
Theo ông Huy, nhà Rông của người Gia Rai rất điển hình. Còn với người Ê Đê, họ cũng có nhà Rông nhưng kiến trúc điển hình của người Ê Đê lại là nhà Dài.
“Xét về mặt ngữ nghĩa của câu hỏi là “Nhà Rông thể hiện nét đặc sắc trong kiến trúc của đồng bào dân tộc nào sau đây?”, chứ không phải hỏi là những dân tộc nào có nhà Rông. Với các dữ kiện như vậy thì phương án A (Gia Rai) là đúng” – ông Huy khẳng định.
Ông Huy cũng lý giải thêm nhà Rông của người Gia rai hoặc Ba na có nét đặc trưng về mặt kiến trúc là mái cao vút, đẹp, hoành tráng. Nhà Rông của người Ê Đê mái không cao như vậy. Hiện nay, nhà Dài của người Ê Đê đã không còn duy trì bởi chủ trương của Nhà nước tách các hộ dân ra để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trước đó, sau khi chương trình kết thúc đã có các ý kiến tranh luận về đáp án của chương trình này. Nhiều khán giả cho rằng đáp án của chương trình là chưa chính xác với một số ý kiến như: “Nhà Rông” là một kiểu nhà sàn đặc trưng, đây là ngôi nhà cộng đồng, như đình làng người Kinh, dùng làm nơi tụ họp, trao đổi, thảo luận của dân làng trong các buôn làng trên Tây Nguyên, hoặc còn là nơi đón khách (theo phong tục người Ba Na), dù khách riêng của gia đình hay chung của làng. Nhà Rông chỉ có ở những buôn làng người dân tộc như Gia Rai, Ba Na... ở phía Bắc Tây Nguyên, đặc biệt ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Sau chương trình “Ai là triệu phú”, nhà văn Văn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai cũng đã nhận xét trên trang cá nhân rằng: “Với câu hỏi như trong hình, mình biết thế nào cũng có chuyện vui nên chộp ngay, người chơi chọn là Ê Đê còn anh Lại Văn Sâm nói A, tức Jrai, thế cái nhà Gươl (Rông) Kơ Tu nó là cái gì hả VTV3... Mà thực ra, từ lâu rồi, hầu như người Jrai đã không xài nhà rông nữa, chủ yếu còn ở vùng Bắc Tây Nguyên thôi...”
Trả lời báo Gia đình & Xã hội, nhà văn Văn Công Hùng cũng nói thêm: “Câu hỏi này có đến 2 đáp án. Người Jrai cũng có nhà Rông, nhưng ít, người Ba Na nhiều hơn, ngược Bắc Tây Nguyên thì Xê Đăng, Giả Triêng... cũng nhiều".
Theo ông, trong đó người K'tu (Cơ Tu) Quảng Nam thì rất nhiều nhà Gươl, tức nhà Rông. Ngoài ra, người Ê Đê có nhà dài, nhưng có thể, xưa họ cũng có nhà Rông, nhưng vì lý do nào đó mà triệt tiêu dần…
Ngân Anh