Theo đại diện Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, cùng với tiến trình ứng dụng và phát triển CNTT, an toàn thông tin đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Đặc biệt, đối với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, công tác bảo đảm an toàn thông tin mang ý nghĩa sống còn. Qua khảo sát của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), trong thời gian vừa qua, có đến 62% các sự cố an toàn thông tin xảy ra do lỗi nhận thức và năng lực của con người.

Chính vì vậy, để góp phần khắc phục tồn tại này, trong khuôn khổ Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020, theo Quyết định 99 ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 99), Bộ TT&TT được giao chủ trì thực hiện đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.

Cũng theo Cục An toàn thông tin, trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử và Chính quyền điện tử các cấp, Cục đã phối hợp cùng Cục Tin học hóa xây dựng, thiết kế thí điểm khóa đào tạo “An toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử” dành cho các cán, bộ công chức, viên chức phục trách CNTT/ an toàn thông tin của của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các Sở TT&TT.

Có sự tham dự của hơn 30 học viên là các cán bộ, công chức, viên chức phục trách CNTT hoặc an toàn thông tin của các Bộ, cơ quan nganh Bộ và một số Sở TT&TT khu vực miền Bắc, khóa đào tạo “An toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử” vừa được Cục An toàn thông tin, Cục Tin học hóa và Công ty đào tạo iPmac phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong thời gian 3 ngày, từ ngày 13 - 15/12/2017. Không chỉ xây dựng, thiết kế chương trình, các cán bộ của Cục An toàn thông tin và Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT cũng là những giảng viên trực tiếp giảng dạy, trang bị kiến thức, kỹ năng cho các học viên dự khóa đào tạo.

Trong phát biểu tại lễ khai mạc khóa đào tạo “An toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử” được tổ chức ngày 13/12 vừa qua, ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Thành viên Ban điều hành triển khai Đề án 99 cho biết, nội dung khóa đào tạo hướng tới phục vụ trực tiếp rộng rãi cho cán bộ kỹ thuật vận hành hệ thống bảo đảm an toàn thông tin phục vụ cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử các cấp.

Ông Nguyễn Huy Dũng cũng bày tỏ mong muốn các học viên sẽ có những góp ý, trao đổi thẳng thắn về nội dung của khóa đào tạo thí điểm này để phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện hơn nữa nội dung chương trình đào tạo trong năm 2018 về an toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử theo hướng xác thực, phù hợp.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, tính đến hết năm 2016, triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 99, đã có 9 cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo chuyên ngành an toàn thông tin, trong đó có 6/8 cơ sở đào tạo trọng điểm thuộc Đề án 99, cho ra trường 408 kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin và cử 76 lượt cán bộ đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài về an toàn thông tin (chưa tính số lượt cán bộ do các bộ, ngành cử đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài về CNTT, có lồng ghép nội dung an toàn, an ninh thông tin).

Cùng với đó, tính đến cuối năm ngoái, đã tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho khoảng 2.600 lượt cán bộ làm về an toàn, an ninh thông tin và CNTT tại các cơ quan, tổ chức nhà nước. Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng đã hướng dẫn cho các đơn vị tự triển khai đào tạo được khoảng 1.000 lượt cán bộ làm về an toàn, an ninh thông tin và CNTT tại cơ quan, tổ chức mình.

Năm 2017 là năm thứ ba triển khai Đề án 99 về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 99.

Đề án 99 về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 có mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2020 đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn, an ninh thông tin ở nước ngoài, trong đó có 100 Tiến sĩ; đào tạo 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về an toàn, an ninh thông tin chất lượng cao; đưa 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài; tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn, an ninh thông tin cho 10.000 lượt cán bộ làm về an toàn, an ninh thông tin và CNTT tại các cơ quan nhà nước.