Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề có vai trò vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy, trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng thực tế tại nơi làm việc cho người học. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có nguồn lao động chất lượng, tiết kiệm chi phí tuyển dụng và không phải đào tạo lại.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, khi doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo thì kỹ năng sư phạm, kỹ năng thực hành và trải nghiệm thực tế tại nơi làm việc là điều cần phải được chú trọng.
Tại Hội thảo góp ý chương trình đào tạo người đào tạo doanh nghiệp diễn ra mới đây, các chuyên gia đều đồng tình, việc chuẩn hóa và phát triển chương trình đào tạo dành cho người đào tạo tại doanh nghiệp là rất cần thiết.
Chuyên gia Nguyễn Thế Dũng, thành viên tổ tư vấn của GIZ
Chuyên gia Nguyễn Thế Dũng, thành viên tổ tư vấn của GIZ cho biết, đào tạo tại doanh nghiệp bao gồm tất cả các hoạt động đào tạo do doanh nghiệp lập kế hoạch, tổ chức và thực hiện cho người lao động của mình hoặc cho người học nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược sản xuất kinh doanh.
Chức năng đào tạo bao gồm đào tạo nội bộ và đào tạo liên kết; trong đó đào tạo liên kết là sự hợp tác của doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện chương trình đào tạo cấp bằng sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyên nghiệp hóa vị thế đào tạo của doanh nghiệp để tham gia cùng cơ sở giáo dục không phải là điều dễ dàng.
“Một người thực hiện chức năng đào tạo nghề phải có hai năng lực là năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đào tạo. Về chuyên môn, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm nhưng nghiệp vụ đào tạo cần phải đặc biệt chú trọng. Đó không chỉ là năng lực sư phạm mà còn là năng lực tổ chức, quản lý, giám sát quá trình đào tạo”, đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh nêu băn khoăn.
Trong khi, Hiệu trưởng Trường ĐH Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh lại cho rằng, điều này không cần quá lo lắng.
“Với thời lượng đào tạo cho người đào tạo nội bộ là 28 giờ, tôi nghĩ hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được trong quá trình triển khai thực tế. Chúng ta không dạy những gì cao siêu cho người lao động. Cho nên, nội dung chương trình đào tạo người đào tạo chỉ cần dạy những năng lực cơ bản là chuẩn bị dạy học, thực hiện dạy học và đánh giá kết quả. Với 28 giờ (bố trí khoảng 3,5 ngày) hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu đề ra”.
Ông Khánh cũng cho rằng, những năng lực dạy học cần phải có thời gian để hoàn thiện dần trong quá trình giảng dạy. Cho nên, nội dung chương trình chỉ cần những điều cơ bản.
Đại diện các cơ sở giáo dục góp ý tại Hội thảo
Hiện tại, chương trình đào tạo người đào tạo doanh nghiệp được chia thành 3 gói. Gói cho đào tạo nội bộ và cán bộ quản lý đào tạo trong doanh nghiệp được thiết kế 72 giờ. Khi hoàn thành gói học này, người học sẽ được cấp chứng chỉ.
Trong khi gói đào tạo nội bộ và gói đào tạo cho cán bộ quản lý đào tạo trong doanh nghiệp được thiết kế 28 giờ. Người học hoàn thành gói học sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.
Tuy nhiên, ông Khánh băn khoăn, những chứng chỉ này sẽ nằm ở đâu trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp? Khi được cấp, chứng chỉ đã đảm bảo tính pháp lý hay chưa? Liệu có xảy ra trường hợp chứng chỉ tại doanh nghiệp A nhưng khi sang doanh nghiệp B lại không được chấp nhận hay không?
“Tôi cho rằng, giá trị của chứng chỉ này phải đảm bảo việc người được cấp sẽ đủ điều kiện để tham gia giảng dạy tại bất kỳ doanh nghiệp khi kết hợp với các trường dạy nghề”.
Trong khi đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, thay vì băn khoăn thời lượng học dài, doanh nghiệp không có thời gian tham gia sâu vào đào tạo nghiệp vụ sư phạm, chương trình học có thể tổ chức online.
“Chúng ta có đào tạo đại học online rất hiệu quả. Doanh nghiệp như chúng tôi hiện đang đào tạo nghề hàn online, kiểm tra tay nghề online bằng công nghệ 3D và cho ra kết quả ngay lập tức. Cho nên, không cần quá lo lắng thời gian học hay chương trình học. Chúng ta có thể đào tạo linh hoạt bằng hình thức online, còn nhiệm vụ quan trọng là làm sao đánh giá người học bằng các khóa kiểm tra đánh giá chứ không nên cắt ngắn chương trình đào tạo”.
Trường Giang
Chuẩn hóa người đào tạo tại doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ASEAN
- Ngày 10/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức hội thảo “Góp ý chương trình đào tạo người đào tạo tại doanh nghiệp”.