Để đảm bảo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đúng đối tượng và có hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, UBND xã Vĩnh Phú Tây đã phối hợp với các ban ngành liên quan tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, dự báo thị trường việc làm, để từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm, xã đã mở được 10 lớp đào tạo nghề. Trong đó, có 6 lớp nông thôn mới (gồm 2 lớp kỹ thuật phòng trị bệnh cho gà, 4 lớp kỹ thuật làm nước rửa chén) và 4 lớp giảm nghèo bền vững (gồm 4 lớp kỹ thuật làm nước rửa chén). Ngoài đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia, xã còn tổ chức đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề cho 578/700 lao động, gồm các nghề như đan lát, trồng màu, chăn nuôi…

W- chuong trinh muc tieu quoc gia 3 (2).jpg
Đào tạo nghề giúp người lao động nông thôn có cơ hội mở rộng kiến thức, nâng cao tay nghề, từ đó tìm được việc làm ổn định hơn, thu nhập cao hơn.

Các chính sách liên quan đến công tác đào tạo nghề luôn được xã quan tâm triển khai, thông tin rộng rãi đến người dân. Người lao động có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, nắm bắt khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng, tăng thêm cơ hội tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.

Hiệu quả từ đào tạo nghề đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn xã. Hiện toàn xã có 4.019 hộ, đầu năm 2024 có 59 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,39%), đến cuối năm 2024, xã phấn đấu giảm còn 22 hộ nghèo (tỷ lệ 0,85%).