Bên cạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, các địa phương tại Quảng Bình còn quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt.
Năm 2024, ông Đinh Đài, ở thôn Văn Hóa, xã Hồng Hóa, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) có tên trong danh sách được hỗ trợ 8 đàn ong để nuôi lấy mật theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Gia đình ông Đài thuộc diện cận nghèo, được hỗ trợ sinh kế để sớm thoát cảnh nghèo khó, ông Đài vừa vui mừng, vừa lo lắng. Ông mừng là bởi từ nay có thêm cơ hội để phát triển kinh tế nhưng không khỏi lo chưa có kiến thức và kinh nghiệm nuôi ong.
Nỗi lo lắng của ông được giải toả khi mới đây ông được tham gia lớp học nghề nuôi ong do xã tổ chức. Có kiến thức, có nguồn hỗ trợ giống, ông Đài tự tin hơn hẳn, hi vọng áp dụng được kiến thức đã học. Ông cũng mong mỏi sẽ từng bước nhân rộng đàn, tăng thu nhập, thoát khỏi diện hộ cận nghèo.
Minh Hoá, quê hương của ông Đài, là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2024, huyện Minh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu giảm 827 hộ nghèo và cận nghèo. Cụ thể, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 3,01% (tương đương giảm 428 hộ nghèo), đưa tỷ lệ hộ nghèo về 12,3%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo thêm 2,8% (tương đương giảm 399 hộ cận nghèo), đưa tỷ lệ cận nghèo về 14,93%.
Để giảm nghèo bền vững, đa chiều, lãnh đạo huyện Minh Hoá xác định phải tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững, trao sinh kế - "trao cần câu" nhưng đồng thời cũng "dạy cách câu có cá". Vì thế, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội. Điều này giúp cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
Huyện Minh Hoá đặt mục tiêu trong năm 2024 quan tâm đa chiều dịch vụ xã hội cơ bản với người nghèo, cận nghèo. Trong đó, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện còn quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa cho biết hằng năm, trung tâm chủ động phối hợp rà soát số lượng, tìm hiểu nhu cầu học nghề và việc làm của người lao động để tham mưu cho UBND huyện, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.
Nhu cầu thực tiễn, đào tạo thực chất gắn với giải quyết việc làm bền vững sau đào tạo nghề là mục tiêu của huyện Minh Hoá trong giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm cho người nghèo, cận nghèo tại địa phương. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Minh Hoá đạt gần 40%.
Không chỉ ở huyện Minh Hoá, tại Quảng Bình, nhiều địa phương khác cũng xác định đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Huyện miền núi Tuyên Hóa là ví dụ. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều lớp dạy nghề ở khu vực nông thôn tại huyện được triển khai, mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và tạo điều kiện tiếp cận các chiều dịch vụ xã hội cơ bản khác về nhà ở, y tế, giáo dục... cho người dân.
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện chú trọng đổi mới chương trình dạy nghề, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề. Mặt khác, địa phương rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động tại các xã, thị trấn, trên cơ sở đó có kế hoạch dạy nghề phù hợp.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện mở được 8 lớp dạy nghề với gần 270 học viên, trong đó, 2 lớp may công nghiệp, 2 lớp chế biến món ăn Việt cơ bản, 4 lớp gồm các nghề: Nuôi ong; trồng và nhân giống nấm; nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò; nuôi và phòng, trị bệnh cho gia cầm.
Trên toàn tỉnh Quảng Bình, Cục Thống kê tỉnh ước tính đến 30/6 có hơn 11.700 lao động được giải quyết việc làm, đạt 60,1% kế hoạch năm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm; giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động cho hơn 8.600 lượt người.
Một số mô hình hỗ trợ đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã theo hình thức liên kết giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo nghề với cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đã mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.