Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) quan tâm nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân tộc thiểu số ở địa phương có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống.
Năm 2023, từ nguồn kinh phí 2 Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Giảm nghèo bền vững, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã mở 13 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng (10 lớp nông nghiệp và 3 lớp phi nông nghiệp) với 369 học viên theo học.
Chủ yếu là các nghề như: trồng và chăm sóc cà phê; trồng mía, lúa năng suất cao; trồng rau an toàn; nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; sửa chữa máy cày công suất nhỏ, thợ nề…
Theo đánh giá, phương pháp đào tạo “cầm tay chỉ việc” giúp các học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu và áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, khi hoàn thành các lớp đào tạo nghề, phần lớn học viên đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống mới, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất cao; đồng thời biết sửa chữa máy móc tại nhà, góp phần giảm chi phí, tăng thêm thu nhập.
Đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kbang cho biết, việc đào tạo nghề bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của huyện.
Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn đã giúp các hộ dân tộc thiểu số tại địa phương từng bước thay đổi nhận thức trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các lớp trồng lúa, trồng mía năng suất cao giúp người dân tự tin áp dụng những kiến thức, hiểu biết để cải thiện năng suất cây trồng.
Từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, huyện Kbang triển khai kế hoạch thực hiện Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Theo đó, các xã, thị trấn và cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu lao động và thực trạng kinh tế - xã hội của huyện.