Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và các thiết bị giám sát vào đào tạo, cấp Giấy phép lái xe (GPLX) đang tạo nên một cuộc cách mạng. Điều này cũng giúp cả thầy và trò xác định nghiêm túc tầm quan trọng của việc học ngay từ những giờ đầu tiên cầm vô lăng.
Công nghệ, thiết bị giúp tăng chất lượng trong đào tạo lái xe
2022 có lẽ là năm "cách mạng" của việc dạy và học lái xe khi một loạt quy định mới theo Thông tư 04/2022/TT-BGTVT có hiệu lực. Đáng chú ý nhất là từ 15/6, học viên buộc phải hoàn thành quãng đường lái xe thực tế trên nhiều hơn cùng thiết bị giám sát người lái và quãng đường (DAT).
Từ 1/1/2023, việc đào tạo lái xe còn tiếp tục được nâng tầm lên 1 bước khi các trung tâm buộc phải trang bị cabin mô phỏng cho học viên. Việc thực hành trên ca bin mô phỏng sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành xe, các bài tập như bài sa hình thi sát hạch. Tiếp đến, học viên sẽ được thực hành bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình phức tạp hơn như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố,...
Chính việc áp dụng hàng loạt công nghệ, thiết bị giám sát này giúp việc dạy và học lái xe được rõ ràng, minh bạch và ít phụ thuộc vào những đánh giá cảm tính của con người hơn.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo và quản lý đào tạo lái xe là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học lái xe, xích lại gần với nhiều nước trên thế giới.
Việc các cơ quan quản lý áp dụng công nghệ không phải là làm khó học viên mà nhằm siết chặt hơn công tác đào tạo lái xe, nhằm tạo ra đội ngũ lái xe có đủ kỹ năng điều khiển và xử lý các tình huống mất an toàn, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
"Thông qua các biện pháp trên, người học sẽ được bổ sung thêm các nội dung đào tạo mới để tăng kỹ năng lái xe trên đường cũng như đảm bảo được chương trình đào tạo lái xe theo quy định. Để đạt kết quả cao, học viên cần tham gia đầy đủ các nội dung đào tạo theo quy định, thực hiện giám sát các nội dung học theo đúng hợp đồng đã ký với các cơ sở đào tạo lái xe để đảm bảo quyền lợi", ông Thống chia sẻ.
Có bằng lái là tự tin, sẵn sàng ra đường an toàn
Chia sẻ về thời gian học lái xe vừa qua của mình, chị Trương Thị Minh Anh (36 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, dù thời gian đầu học với thiết bị DAT và phần mềm mô phỏng gặp khá nhiều trục trặc ngoài ý muốn nhưng chính vì vậy lại được "tạo điều kiện" để cầm vô lăng nhiều hơn. Khi có GPLX vào tháng 12 vừa qua, chị đã cùng chồng thực hiện chuyến đi Tây Bắc mà không hề "run tay".
"Tôi thật may mắn khi được thực hành đến hơn 800km trên đủ các cung đường nên lái thực tế không hề bỡ ngỡ. Nếu học như trước đây giống chồng tôi kể là thực hành rất ít thì thì chắc chắn tôi không dám cầm vô lăng ra đường chứ chưa nói đến việc đi cung dài và khó như Tây Bắc. Tôi nghĩ sau này học viện được thực hành cả trên cabin ảo nữa thì quá tuyệt vời", chị Minh Anh nói.
Anh Vũ Thanh Tùng - Giáo viên dạy lái xe, trường Trung cấp Nghề GTVT Bắc Giang nhận định, ý thức và năng lực của người học lái xe ô tô là vấn đề khá nhức nhối trong thời gian vừa qua, trong đó không ít nơi "học chui, học tắt", chạy không đủ km. Thế nên, khi có máy móc giám sát sẽ giúp người học nghiêm túc rèn giũa hơn ngay từ lúc mới bắt đầu ôm vô-lăng; còn người dạy cũng không thể "tặc lưỡi" vô trách nhiệm được.
"Hơn ai hết, thầy giáo dạy lái chính là những người đầu tiên tiếp xúc với học viên trong quá trình hình thành kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là ý thức khi lái xe. Nếu thầy lái ẩu, hấp tấp khi dạy; rồi còn vượt ẩu, chửi bậy, vứt rác bừa bãi ra đường,... thì làm sao đòi hỏi học viên của mình có ý thức tốt khi tham gia giao thông sau này được? Do vậy, thầy trước hết phải chuẩn mực trong mọi tình huống dù là nhỏ nhất", giáo viên dạy lái xe này chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, việc siết chặt quản lý dạy và học lái xe là điều cần thiết, hạn chế tối đa việc học qua loa, hình thức và góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng cũng như chính bản thân những tài xế sau này.
Nhưng trước hết, người học lái nên chủ động luyện tập, học hỏi kỹ năng ngay từ những người thầy của mình. Đồng thời, tự trau dồi kiến thức an toàn giao thông và quan trọng nhất là hình thành văn hoá lái xe văn minh để không phải là "tay non" mỗi khi ra đường.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, sau 6 tháng triển khai áp dụng giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên bằng thiết bị DAT, có 38.383 xe tập lái đã lắp đặt và sử dụng thiết bị, giám sát 561.138 học viên (trong đó 374.903 học viên đủ điều kiện dự sát hạch) với tổng số 11.307 khóa học và 5.170.177 phiên học thực hành lái xe. Thiết bị DAT giúp các cơ sở đào tạo lái xe kiểm soát được công tác giảng dạy phù hợp với kế hoạch đào tạo, quản lý được việc sử dụng phương tiện cũng như sử dụng giáo viên dạy lái xe, để chủ động trong kế hoạch bảo dưỡng phương tiện và bảo đảm các quy định về sử dụng lao động. Còn các cơ quan quản lý như Cục Đường bộ hay các sở GTVT thông qua thiết bị giám sát có thể giảm bớt được công tác kiểm tra trực tiếp tại đơn vị, kiểm soát được tuyến đường đào tạo lái xe và xác định được các học viên đã hoàn thành đủ quãng đường và thời gian học thực hành lái xe trên đường, làm căn cứ để xét duyệt cho phép tham dự kỳ sát hạch. |
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!