Ngày 21/10/2015 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị đào tạo, tập huấn về kiến trúc Chính phủ điện tử cho các Bộ, ngành. Theo Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT (MIC) đưa tin, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã đến dự và phát biểu khai mạc, bên cạnh đó còn có đại diện nhiều Cục, Vụ chức năng của Bộ, đại diện các đơn vị chuyên trách CNTT của Chính phủ, các Bộ, ngành.

Z1-Anh-chinh-Dao-tao-An-toan-thong-tin-Kien-truc-Chinh-phu-dien-tu.jpg

Tại Hội nghị đào tạo tập huấn này, đại diện Bộ TT&TT đã trình bày về khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1, Đề cương Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, áp dụng tiêu chuẩn CNTT trong Kiến trúc Chính phủ điện tử, và có cả An toàn thông tin trong Kiến trúc Chính phủ điện tử.

An toàn thông tin có thể nói là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trong Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 14/10/2015, Bộ TT&TT được giao trọng trách thực hiện giám sát an toàn thông tin đối với hệ thống, dịch vụ CNTT của Chính phủ điện tử.

Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7 /2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế cũng nêu rõ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chung của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì còn cần chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các Bộ ngành liên quan tăng cường hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT gắn với bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật thông tin, tăng cường năng lực cho hệ thống giám sát an toàn bảo mật cho các hệ thống thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước, phòng chống chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, bảo vệ chủ quyền số quốc gia, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Về cơ bản, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định việc phát triển và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã có những kết quả đáng mừng và được triển khai mạnh mẽ. Hiện nay 90% cán bộ công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc hàng ngày, 100% cơ quan nhà nước được trang bị hệ thống văn bản quản lý điều hành, thư điện tử. Hơn nữa tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều có Cổng Thông tin điện tử, hầu hết các cổng này đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2, một số đã cung cấp dịch vụ công ở mức độ 3 và mức độ 4.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra 4 tồn tại cần phải khắc phục trong tiến trình phát triển và ứng dụng CNTT: Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước vẫn mang tính nội bộ, thiếu tính kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng; Dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân ở mức độ cao còn chưa nhiều, trong trường hợp được cung cấp ở mức độ 3 hoặc 4 thì vẫn còn nhiều tồn tại, gây cản trở cho việc tiếp cận dễ dàng với dịch vụ công trực tuyến của người dân; Việc xây dựng hệ thống thông tin quy mô lớn, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử còn chậm; Đặc biệt là việc đầu tư cho CNTT còn chưa đồng bộ, có sự chồng chéo giữa các Bộ, ngành và địa phương.