Mặc dù số lượng ít hơn so với mọi năm, tại chợ hoa xuân Vạn Phúc (Hà Đông), dọc trục đường Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương, Tố Hữu, đường Vạn Phúc (quận Hà Đông)… đây vẫn là “thiên đường” tập trung nhiều hàng hoa, cây cảnh bán Tết, trong đó có đào rừng.
Dịp Tết Nhâm Dần 2022, đào rừng không phải dán tem truy nguồn gốc xuất xứ như Tết năm 2021, song vẫn chung cảnh ế ẩm, đìu hiu.
Đào rừng "đổ bộ" xuống chợ hoa xuân Thủ đô, không phải dán tem vẫn nằm im chờ khách |
Anh Nguyễn Mạnh Hưng, chủ “vựa” đào rừng hàng trăm cành dựng thành hàng dài trên đường Tố Hữu, đối diện với chợ hoa Vạn Phúc, cho biết, năm nay, không có quy định dán tem truy nguồn gốc đào rừng như năm ngoái, vì các vùng trồng đào (thuộc vùng Tây Bắc) đã được chính quyền xác nhận vùng chuyên canh.
Đào trồng ở khu vực miền núi được phép khai thác, buôn bán, vận chuyển về xuôi mà không cần dán tem để phục vụ người dân chơi ngày Tết. Anh Hưng mua trọn một khu trồng đào tại một bản ở huyện Mộc Châu, kịp đưa về trước ngày ông Công, ông Táo để bán cho khách Thủ đô.
Những cành đào từ khu vực miền núi phía Bắc xuôi về Thủ đô |
Hàng nghìn cành đào rừng rất dễ nhận biết bởi đặc điểm bên ngoài |
“Năm nay đào đẹp hơn năm ngoái, việc vận chuyển cũng dễ dàng hơn nên đào rừng từ miền núi một mạch về xuôi. Tuy nhiên, cây cảnh nào cũng ế ẩm. Đào rừng cũng không ngoại lệ”, anh Hưng rầu rĩ.
Vài trăm cành đào rừng với chiều cao vài mét, được bó chặt tán để tiện vận chuyển, anh Hưng dựng chụm đầu các cành vào nhau theo hình chữ “A” để tạo chân choãi, cành nọ tựa vào cảnh kia. Bên dưới mỗi cành đào rừng là một vật đựng nước, cắm gốc cho đào tươi, giữ nhựa.
Nhiều chủ buôn mạnh dạn đầu tư giàn đỡ, chậu, xô nhựa để chứa nước cắm cánh |
Một chủ buôn đào rừng ngồi đợi khách trên đường Vạn Phúc (Hà Đông) |
Từ khi đào rừng xuống phố, mỗi ngày anh Hưng bán được 1 - 2 cành, giá bán chỉ bằng 1/2 mọi năm.
“Đường ngày Tết mà vắng người lắm. Chẳng mấy ai đi chợ hoa cả. Người bán hàng vắng khách, hết đứng lại ngồi. Dự báo thời tiết không khí lạnh và mưa đến hết Tết, chúng tôi lo lắm”, anh Hưng than thở.
Chợ hoa xuân Vạn Phúc năm nay có lượng hàng hóa giảm nhiều so với năm ngoái. Cánh thương lái đào rừng có cơ hội trưng hàng trên khuôn viên rộng, bắc giàn tre, luồng… làm kệ đỡ những cành đào rừng cao vài ba mét.
Vẻ đẹp mỏng manh, hoang dại của đào rừng |
Một cây đào rừng nở hoa sớm, đang đậu quả cũng được đưa xuống Hà Nội để trưng bày hút khách |
Thậm chí, nhiều chủ buôn còn trang trí các phụ kiện cho người chơi chỉ việc mua về |
Một chiếc lều trú mưa rét của người buôn đào |
Những cành đào trưng bày được dỡ dây buộc, xòe tung, chiếm khoảng không vài mét chiều rộng. Những bông hoa đào rừng nở sớm, cánh mảnh mai, phơn phớt hồng, hay đỏ nhạt… mong manh trong gió, mang nguyên vẻ đẹp hoang dại của xứ đồng rừng.
Một cành đào rừng năm nay giá bán dưới 1 triệu đồng. Cành to, đẹp mới có giá trên một triệu, tuy nhiên vẫn ít khách mua.
Khu vực bán đào rừng tập trung ở một khu, nổi bật bởi chiều cao và ngọn cành nhô cao do đám dây buộc thít chặt.
Anh lái xe ôm chở cây thuê cũng bị ảnh hưởng, không có "cuốc" nào vì không có khách mua cây |
Năm nay, đào rừng không phải dán tem truy nguồn gốc, do vùng đào trồng đã được xác nhận |
Đường hoa Vạn Phúc năm nay vắng hoe, trái ngược với cảnh tấp nập, không có chỗ chen chân như mọi năm |
Một người buôn đào rừng thẫn thờ bên vựa đào không có khách hỏi mua |
Một nhóm trung niên chung vốn “đánh” đào mạn ngược buôn Tết còn mạnh dạn đầu tư giá đỡ, hàng trăm chậu nhựa chứa nước để cắm cành, không tận dụng lon bia, chai nhựa, hộp sữa… đựng nước như những hộ buôn khác.
Tuy nhiên, khu trưng hàng dù có đẹp, tươm tất hơn nhưng vẫn chung cảnh ngộ với hàng trăm người buôn cây cảnh khác, đó là ế ẩm, đìu hiu.
Anh Nguyễn Đức Hoàng (có thâm niên buôn đào rừng ngót chục năm) ngán ngẩm, chưa bao giờ bán chậm như năm nay. Mong rằng mấy ngày tới cận Tết, tình hình sẽ đổi khác. "Chúng tôi chỉ mong sớm bàn hòa vốn để về đón Tết với gia đình", anh Hoàng nói.
Thái Bình
Cây đào thế đẹp nhất Thành Nam chỉ cho thuê
Chủ vườn đào xã Nam Mỹ (huyện Nam Trực, Nam Định) rất mãn nguyện khi sở hữu cây đào thế dáng long cổ, đồng thời khẳng định không bán, chỉ cho khách thuê, sau Tết lại đưa về vườn.