Từ chiều qua tới nay, anh Nguyễn Văn Hiếu ở Ba Vì (Hà Nội) chạy ngược chạy xuôi hỏi thăm thông tin nhưng lô đào rừng của anh mua của người dân trên Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) vừa bị cơ quan chức năng giam lại với lý do “cần thời gian cho cán bộ tới tận nhà dân để xác minh xem có đúng đào rừng nhà trồng hay không”.

Anh Hiếu cho biết, lô đào này có giá mua là 30 triệu đồng, khi xe đang chở đào về Hà Nội thì bị lực lượng chức năng giữ lại hỏi nguồn gốc xuất xứ. Sáng nay (19/1), anh có ra xã hỏi thăm thông tin thì được biết, xã sẽ có danh sách số lượng đào rừng dân trồng gửi lên huyện để huyện gửi lên tỉnh. Sau khi tỉnh xác nhận và có công văn trả lời ngược lại thì dân mới được chặt đào rừng nhà trồng đem bán.

“Lần này chỉ có lô đào của tôi bị giữ lại. Nhưng giữ tới mấy ngày như thế này thì coi như đào hỏng hết rồi”. Anh Hiếu nói và cho biết, lô này hỏng thì coi như anh chịu lỗ. Song, vấn đề quan trọng là thời điểm bây giờ bắt đầu vào vụ mua bán đào rừng trồng, nếu cứ chờ truy xuất nguồn gốc, dán tem chứng nhận,... nhiều thủ tục như vậy thì dân buôn không dám đánh hàng tiếp, người dân cũng không thể chặt đào rừng của nhà mình trồng bán Tết.

{keywords}
Địa phương yêu cầu người mua viết đơn xin xác nhận cành đào...
{keywords}
... kèm theo danh sách cá nhân, hộ dân đã bán để địa phương xác minh

Hiện anh phải viết đơn xin xác nhận có mua cành đào trong vườn của một số hộ dân trên địa bàn xã Tà Xùa kèm theo danh sách cụ thể cá nhân, hộ gia đình bán gốc cây, cành đào. Khi địa phương xác nhận xong, lô đào của anh mới đủ điều kiện đưa ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, xã cũng không nói cần xác nhận trong bao nhiêu ngày nên anh vẫn phải chờ.

Theo anh, cao điểm buôn bán đào rừng Tết chỉ diễn ra khoảng 15 ngày. Nếu cứ chậm trễ thì dân vùng Tây Bắc năm nay sẽ thất thu vụ đào rừng Tết.

“Thời điểm này hoạt động mua bán đang bị dừng hết. Khi lô đào của tôi bị giữ lại, mấy anh em dân buôn tôi quen cũng không dám lên đây đánh hàng vì sợ mất cả hàng lẫn tiền”, anh Hiếu nói.

Anh Lê Văn Dương - đầu mối chuyên bán đào rừng ở Hà Đông (Hà Nội), cũng thừa nhận, hoạt động mua bán đào rừng trồng đang bị tê liệt, dân buôn như anh nằm im nghe ngóng thông tin, không dám lên Tây Bắc đánh hàng về Hà Nội.

Anh buôn bán đào rừng đã được gần chục năm nay. Ở các tỉnh như Lào Cai, Sơn La,... đào rừng trồng là sinh kế, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con vùng dân tộc. Có những hộ nhờ chặt cành đào rừng trồng đem bán dịp này mà có tiền mua sắm Tết, anh chia sẻ.

Theo anh, câu chuyện truy xuất, dán tem đào rừng trồng vào giáp Tết đang ảnh hưởng nặng tới hoạt động mua bán, đặc biệt là bà con vùng cao có đào rừng. “Với dân buôn không có đào rừng trồng thì họ buôn hàng khác, còn người dân Tết này không kịp cắt cành đào rừng bán thì họ thiệt hại lớn. Lo mất Tết”, anh nói.

{keywords}
Theo người dân và các đầu mối buôn bán đào rừng trồng, các thủ tục còn chưa rõ ràng về truy xuất nguồn gốc nên hoạt động buôn bán mặt hàng này đang bị tê liệt, trong khi Tết Nguyên đán 2021 đã cận kề

Chị Hoàng Thị Chung ở Mộc Châu (Sơn La) than thở, tầm này những năm trước nhà chị đang tất bật cắt cành đào đem bán. Nhưng năm nay vì chờ hướng dẫn nên chưa cắt bán được cành nào, người hỏi mua cũng không có, đào ế ẩm.

“Nhà có hơn trăm gốc đào rừng trồng. Mùa màng thất thu, tiền chi tiêu sinh hoạt của gia đình đều dựa vào những cây đào này. Giờ không bán được thì không có tiền mua sắm Tết”, chị nói.

Về việc khai thác đào rừng trồng bán vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngày 18/1, Bộ NN-PTNT đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán.

Cụ thể, công văn của Bộ NN-PTNT nêu rõ, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.

Bộ đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương.

Thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

T.An