- Thưa luật sư, tôi có thắc mắc mong luật sư giải đáp. Hiện tại tôi đang sửa nhà. Trong quá trình đào móng nhà, tôi có phát hiện ra một số chén đĩa sứ có hoa văn đẹp, chỉ có bốn cái nguyên vẹn, còn lại đã sứt. Tôi đã đem cho một người quen giám định và chắc chắn đó là cổ vật từ cách đây vài trăm năm.
Chuyện tôi đào được cổ vật truyền ra ngoài, có nhiều người hỏi mua và trả giá cao. Tôi chưa biết làm thế nào thì cán bộ xã có đến nhà tôi nói rằng đó là tài sản của nhà nước, tôi phải đem trả lại. Xin luật sư cho biết pháp luật có bắt tôi phải trả lại số cổ vật đó không? Tôi có được quyền giữ chúng hay bán đi không? Cảm ơn luật sư.
TIN BÀI KHÁC
Số cổ vật đào được có thuộc về tôi không? (Ảnh minh họa) |
Nội dung bạn đọc Tuấn Anh hỏi, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:
Khoản 1 điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:
“1. Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Nếu chén đĩa sứ có hoa văn đẹp là tài sản có giá trị, gia đình bạn sẽ được hưởng giá trị theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau:
- Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hoá thì thuộc Nhà nước. Người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
- Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương; phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
Như vậy, khi phát hiện vật có giá trị dưới lòng đất thì gia đình bạn nên có biện pháp bảo vệ, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hưởng giá trị tài sản theo quy định nêu trên.
Đối với các hiện vật có từ một trăm năm tuổi trở lên, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học được coi là cổ vật, là di sản văn hóa. Theo Luật di sản văn hóa và Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ, mọi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước và do nhà nước thống nhất quản lý. Di sản văn hóa phát hiện được, không xác định được chủ sở hữu là thuộc sở hữu nhà nước. Vì vậy, tổ chức, cá nhân khi phát hiện được cổ vật phải thông báo kịp thời địa điểm phát hiện và giao nộp cổ vật do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân kịp thời thông báo và tự nguyện giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch thì tùy theo giá trị của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được xét tặng, truy tặng Giấy khen, Bằng khen, Huy chương hoặc các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật. Nghị định 96/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức tiền thưởng cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể là: Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%; trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%; trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%; trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%; trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%.
Trường hợp gia đình bạn phát hiện hoặc nghi ngờ đó là những vật có giá trị mà không thông báo, không giao nộp thì có thể bị xử lý với các hình thức sau:
Xử phạt hành chính: Nếu số bát đĩa sứ cổ có giá trị (lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu) thì được coi là thuộc sở hữu Nhà nước mà không thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn nữa. Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tịch thu tang vật.
Xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự, tội Chiếm giữ trái phép tài sản bị xử phạt như sau:
- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc