Theo TS. Đinh Văn Minh, việc Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ là rất cần thiết để xây dựng một nền hành chính công liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân.
Thái độ quan trọng hơn trình độ
Có bao giờ ông gặp phải những tình huống cán bộ, công chức có những ứng xử khiến ông không hài lòng?
Rõ ràng là trong cuộc sống không thể tránh được việc người dân đến các cơ quan công quyền để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Điều đầu tiên người ta mong mỏi chính là thái độ của cán bộ, công chức để tạo sự tin tưởng vào cơ quan công quyền. Một sự niềm nở, sẵn sàng vì công việc, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ rất quan trọng.
Vì vậy, chúng ta vẫn nói “thái độ quan trọng hơn trình độ” là như thế. Nhiều khi các thủ tục hành chính cũng khá phức tạp, có những điều người dân chưa hiểu nên rất cần sự hướng dẫn, giải thích tận tình, cặn kẽ.
Khi người dân muốn bày tỏ khó khăn, nêu ra vướng mắc mà cán bộ biết lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn là điều cực kỳ quan trọng. Có những việc với cán bộ, công chức là rất đơn giản nhưng không phải người dân nào cũng có đủ trình độ hoặc điều kiện tìm hiểu nên mới sinh ra thắc mắc, phàn nàn. Trường hợp này, dân hỏi mà cán bộ lại bực bội, cáu gắt “đơn giản thế mà không biết” thì không được.
Hay như về cách ăn mặc của cán bộ, công chức cũng cần lưu ý sao cho phù hợp. Ăn mặc đẹp, nghiêm túc, thể hiện sự gọn gàng, sẵn sàng vì công việc chứ không phải là cái đẹp của đi dạ hội, váy áo lòe xòe, hoặc ngược lại đơn giản tuềnh toàng như đi chơi thể thao...
Có ý kiến cho rằng nội hàm của "đạo đức" khó có thể đong đếm để quy định chi tiết bằng một văn bản quy phạm pháp luật. Ông có quan điểm thế nào về điều này?
Tôi muốn nói rằng những điều đó là đạo đức, là văn hóa chứ không chỉ dừng lại câu chuyện pháp luật. Pháp luật chỉ là cái tối thiểu của đạo đức, còn đạo đức chính là cái tối đa của pháp luật.
Người cán bộ, công chức không chỉ hoàn thành chức trách theo đúng nghĩa vụ do pháp luật quy định “cho xong chuyện” mà cao hơn thế còn là cái tâm, cái đức của người đại diện cho công quyền, nơi Nhà nước tin cậy, người dân mong đợi. Đó chính là cái mà người ta gọi là đạo đức công vụ, văn hóa công vụ.
Pháp luật chỉ là vỏ bên ngoài các quy tắc, còn đạo đức là khi hành xử thể hiện từ cái tâm, sự cố gắng, toát ra từ sự tận tụy, mong muốn hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ giúp đỡ được người dân.
Đấy là đạo đức công vụ, và theo tôi cao nữa là văn hóa, cái đẹp. Tức là cán bộ hành xử làm sao để mối quan hệ giữa người dân với cơ quan công quyền được tốt đẹp, làm sao để người dân thấy mình đang được lắng nghe, được đồng hành, được giúp đỡ.
Thực tế có những hiện tượng làm xấu đi hình ảnh của cơ quan công quyền khiến người dân phàn nàn. Đó chính là lý do chúng ta phải nghiên cứu ban hành và thực hiện quy định về đạo đức công vụ để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới.
Dự thảo Nghị định quy định khá chi tiết các hành vi trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức. Theo ông, trong đó điều gì đặc biệt cần quan tâm để xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức đẹp hơn trong mắt người dân?
Tôi nghĩ các quy định trong dự thảo Nghị định trước hết tác động làm cho cán bộ, công chức nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong hoạt động công vụ, thậm chí là ở nơi sinh hoạt cộng đồng hay nơi cư trú, phải nhận thức rất sâu sắc rằng bản thân người cán bộ, công chức là đại diện cho cơ quan công quyền, được nhà nước và người dân giao cho các quyền hạn nhất định, đòi hỏi sự gương mẫu phải cao hơn, phải chuẩn mực hơn.
Bởi vì họ là người thực thi quyền lực, hiểu pháp luật. Vì vậy trong mọi hoàn cảnh, trước hết là nơi thực thi nhiệm vụ phải thể hiện như là một hình ảnh rất chuẩn mực để tạo ra niềm tin với người dân.
Không chỉ tại công sở mà ở những nơi công cộng, nơi khác cũng đòi hỏi một nếp văn hóa, một sự mẫu mực ở người cán bộ, công chức, viên chức.
Cái tốt dần lớn lên sẽ dẹp được cái xấu
Lâu nay người dân thường có tâm lý ngại đến cơ quan hành chính làm thủ tục, có việc buộc họ phải đến chứ không mấy ai thấy thoải mái. Bộ quy tắc đạo đức công vụ ra đời liệu có xóa bỏ được tâm lý này?
Rõ ràng là có tâm lý người dân sợ, ngại đến các cơ quan công quyền làm thủ tục và điều đó cũng không có gì là ngạc nhiên cả. Chúng ta kỳ vọng ở Nghị định lần này nhưng cần phải có thời gian để xóa bỏ tâm lý này, trong đó bao gồm nhiều yếu tố.
Thứ nhất, bản thân các thủ tục của chúng ta quá nhiều, những nơi làm thủ tục luôn luôn đông đúc và một phần chính xuất phát từ thái độ ứng xử, cách làm việc của cán bộ, công chức.
Cho nên một mặt chúng ta vẫn tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục đơn giản, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ. Mặt khác, cũng cần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân để làm sao họ dễ dàng tiếp cận và thực hiện các phương thức mới trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
Từ đó làm sao để họ cũng trở thành “công dân số” cùng đồng hành với Nhà nước trong quá trình thực hiện Chính phủ điện tử.
Ngược lại, người dân cũng phải chịu khó học hỏi, sẵn sàng tiếp nhận những cái mới để cùng với Nhà nước làm cho mọi việc đơn giản, nhanh chóng hơn.
Thứ hai, trở lại câu chuyện về thái độ ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức, để thực hiện được Bộ quy tắc đạo đức công vụ thì cũng cần những cuộc vận động bằng nhiều hình thức để ngấm dần vào tâm thức mỗi cán bộ, công chức.
Khi cái tốt dần lớn lên thì sẽ dẹp được cái xấu. Trong một cơ quan nếu mọi người nghiêm túc, đều đến đúng giờ, có người làm khác đi thì sẽ cảm thấy lạc lõng, xấu hổ.
Bên cạnh đó là tăng cường kiểm soát, giám sát của xã hội, trước hết là người dân trong hoạt động thực thi công vụ tại công sở và cả trong sinh hoạt cộng đồng hay tại nơi cư trú của cán bộ, công chức.
Hiện nay nhiều nước đã làm, dân phản ánh điều gì về cán bộ, công chức, chỉ cần kiểm tra camera là ra ngay. Tôi sang Trung Quốc thấy tại trung tâm hành chính công người ta để sẵn cái máy để người dân ấn hài lòng hay không hài lòng. Cơ quan có thể kiểm tra ngay vì sao dân bấm không hài lòng bằng việc kiểm tra camera giám sát.
Có trường hợp kiểm tra thì thấy cán bộ nói chuyện điện thoại riêng hơn 5 phút khiến người dân bấm không hài lòng. Từ việc đó, dễ dàng truy trách nhiệm để xử lý nghiêm minh, chấn chỉnh kịp thời.
Chúng ta có công cụ công nghệ, phát huy sự giám sát, ý kiến của người dân thì ứng xử của cán bộ, công chức sẽ khác và dần dần trở thành nền nếp.
Thủ trưởng nào thì nhân viên đấy!
Nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề thiếu chế tài sẽ dẫn tới tình trạng đâu lại hoàn đấy hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó, ông nghĩ sao?
Cần phải hiểu bản chất của câu chuyện đạo đức, văn hóa, dù vẫn phải kèm theo chế tài nhưng cái đó không phải điều cơ bản.
Nói một cách đơn giản, pháp luật là điều bắt buộc cán bộ, công chức phải làm, không làm thì phạt. Trong khi đó đạo đức, văn hóa là khuyên họ làm và các chế tài có thể bị điều chỉnh bằng công luận, bằng đánh giá của những người xung quanh và quan trọng nhất là vai trò của người đứng đầu.
Thủ trưởng nào thì nhân viên đấy! Ở đâu thủ trưởng nền nếp thì cấp dưới cũng vậy, giờ giấc mà thủ trưởng nghiêm chỉnh thì đương nhiên nhân viên cũng không thể láo nháo.
Tôi vẫn nhấn mạnh là làm sao người đứng đầu nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của họ trong quá trình hình thành một nền nếp văn hóa công vụ phù hợp. Vì vậy, trước hết bản thân người đứng đầu phải gương mẫu, chuẩn mực và luôn luôn nhắc nhở, khuyên bảo mọi người làm theo.
Không có gì dễ dàng nhưng chắc chắn nếu kiên trì làm thì nền hành chính công vụ sẽ dần tốt lên. Thực ra trong sâu thẳm con người ai cũng muốn sống ở môi trường tốt.
Theo tôi, phải biến những sức ép, đòi hỏi từ bên ngoài trở thành sự kiểm soát, mong muốn từ bên trong. Đầu tiên có thể cán bộ công chức thực hiện đạo đức công vụ vì lo sợ bị phê phán, xử phạt nhưng dần dần cách hành xử đúng mực trở thành lẽ tự nhiên, thành văn hoá, khi đó sự thành công mới bền vững.
Cũng giống như câu chuyện phạt người điều khiển phương tiện uống rượu bia, đầu tiên có người dân chưa quen, cảm thấy bị ép thực hiện nhưng sau ngấm dần thì thành thói quen, rồi đến một lúc nào đó không còn áp lực từ bên ngoài mà trở thành nhận thức từ bên trong.
Vậy câu chuyện đạo đức của người cán bộ công chức cũng vậy thôi. Người ta vẫn hay nói “lấy pháp trị gần, lấy đức trị xa” là như vậy.
Tôi hy vọng sự ra đời của Bộ quy tắc đạo đức công vụ sẽ giúp hạn chế xảy ra những hình ảnh “không đẹp” của cán bộ, công chức như trường hợp của nguyên nữ đại úy “đại náo sân bay”, hay vụ đánh nữ nhân viên sân golf của ở một vị nguyên đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam…
Xin cảm ơn những ý kiến của ông!