Tại dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất quy định dao là vũ khí thô sơ vì có tính sát thương cao.
Theo đại diện Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 nghi phạm sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao. Trong đó, số vụ sử dụng dao và phương tiện tương tự dao chiếm tới 58,6%, vũ khí thô sơ chiếm 29,7%, súng tự chế chiếm 6,2%.
Đáng chú ý, tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao. Nhiều vụ nghi phạm sử dụng dao nhọn sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay…) để giết người với tính chất rất manh động.
"Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào dự thảo luật nhằm tăng cường công tác quản lý, tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật sử dụng dao có tính sát thương cao", đại diện Bộ Công an cho biết.
Cũng theo đơn vị soạn thảo, để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm, đơn vị đã làm rõ: Dao có tính sát thương cao nhằm mục đích sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ.
Đại diện Bộ Công an cho biết thêm, đơn vị giải thích rõ định nghĩa "dao có tính sát thương cao" là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Qua đó, đề xuất quy định 3 chế độ quản lý dao có tính sát thương cao gắn với mục đích sử dụng.
Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật.
Trường hợp thực hiện hành vi gắn với mục đích “sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ”, thì quy định là vũ khí thô sơ.
"Tôi lấy ví dụ như những vụ việc xảy ra vừa qua, khi các nhóm thanh thiếu niên dùng tuýp sắt gắn dao phóng lợn mang đi diễu phố, nếu luật được ban hành thì sẽ xếp vào trường hợp sử dụng vũ khí thô sơ", vị đại diện Bộ Công an nói.
Trường hợp thực hiện hành vi gắn với mục đích "sử dụng để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật”, thì quy định là vũ khí quân dụng.
Đại diện Bộ Công an thông tin, Thường trực Ủy ban An ninh và Quốc phòng đã phối hợp với Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan chỉnh lý các quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 3 của dự thảo Luật để phù hợp với từng loại vũ khí.
Với quy định này, các hành vi liên quan đến dao có tính sát thương cao không có động cơ, mục đích theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 4 Điều 3, thì không bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về hành vi liên quan đến vũ khí theo quy định tại Điều 304, Điều 306 Bộ luật Hình sự.
Chỉ trong trường hợp có gắn với mục đích sử dụng quy định tại khoản 2 Điều 3 thì mới xác định là vũ khí quân dụng hoặc gắn với mục đích sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 3 thì mới xác định là vũ khí thô sơ.