Trung Quốc, Hàn Quốc "trải thảm đỏ" cho game "nội"

Trong số các quốc gia có ngành công nghiệp game online phát triển, Trung Quốc và Hàn Quốc được xem là hai nước hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu game online.

Theo các tài liệu từ Bộ TT&TT, cách đây hơn 10 năm, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu game của Hàn Quốc nhưng từ năm 2005, với chính sách đầu tư phát triển, bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất và cung cấp dịch vụ game online, đến nay hơn 60% game online phát hành tại quốc gia này là sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất và xuất khẩu đi khắp châu Á, châu Mỹ. Năm 2012, doanh thu từ thị trường game online tại Trung Quốc đạt 60,28 tỷ NDT (khoảng 210.000 tỷ đồng),với mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đó là 35,1%. Dự kiến đến năm 2017, Trung Quốc sẽ tăng doanh thu từ game online lên đến 135,2 tỷ NDT (khoảng 473.000 tỷ đồng), với tỷ lệ tăng trưởng đều trong 5 năm là 15,57%, theo dự báo của IDC.

Tương tự, Hàn Quốc cũng là quốc gia có ngành công nghiệp game online được nhà nước ưu tiên phát triển. Số lượng công ty kinh doanh game online tại quốc gia này rất lớn, có đến 4.573 công ty và khoảng 50% là các công ty sản xuất game online. Năm 2012, số lượng sản phẩm game được phát hành tại Hàn Quốc là hơn 700 game, đem lại doanh thu nội địa là 10 tỷ USD, doanh thu xuất khẩu đạt 2,78 tỷ USD. Sản lượng của ngành công nghiệp game online tại Hàn Quốc thậm chí còn vượt cả ngành công nghiệp ô tô, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế Hàn Quốc. Từ năm 1988, theo chỉ đạo của chiến lược “Văn Hóa Lập Quốc”, ngoài việc đầu tư rất mạnh vào ngành game online thì chính phủ Hàn Quốc còn tạo ra những chính sách luật thuế... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.

Đáng chú ý là chính phủ các quốc gia trên luôn chú trọng đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi để tạo thuận lợi cho công nghiệp game online phát triển như: hỗ trợ vốn, tập trung xây dựng các trường Đại học, Học viện để đào tạo nguồn nhân lực sản xuất game online, bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước trước sự ảnh hưởng, cạnh tranh của các doanh nghiệp game nước ngoài…

Với một chính sách tốt, game online mang lại rất nhiều giá trị cho các nước cả trên phương diện văn hoá và kinh tế. Thông qua xuất khẩu game online, quốc gia xuất khẩu có thể truyền bá được những nét đẹp văn hoá, lịch sử của đất nước trên khắp thế giới. Sự phát triển của game online cũng góp phần tạo ra giá trị kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh game online, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm, đồng thời thúc đẩy ngành CNTT, viễn thông phát triển.

Các nước áp dụng thuế Tiêu thụ đặc biệt như thế nào?

Chính phủ nhiều nước đều có xu hướng ban hành những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nền công nghiệp game online, trong đó game online không phải là sản phẩm cần hạn chế và không thuộc đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Đối với Trung Quốc, thuế Tiêu thụ đặc biệt đánh vào các nhóm mặt hàng gồm: Các sản phẩm mà việc tiêu dùng quá mức có thể gây hại cho sức khoẻ, hệ luỵ xã hội và môi trường (thuốc lá, đồ uống có cồn, pháo hoa); hàng hoá xa xỉ và không thật cần thiết (trang sức, mỹ phẩm đắt tiền); các sản phẩm cao cấp có mức tiêu thụ năng lượng cao (mô tô và ô tô chở người); các sản phẩm dầu mỏ không tái tạo và thay thế được (xăng, dầu diezel).

Cùng với chính sách bảo hộ doanh nghiệp trong nước phát triển ngành dịch vụ trò chơi trực tuyến, từ năm 2005, tại Trung Quốc đã xuất hiện ý tưởng áp dụng thuế tiêu thụ cho trò chơi trực tuyến, trong đó xác định: các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến nên đóng một mức thuế cao dựa trên mức lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp theo một tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, đến 2008, Trung Quốc đã ban hành một quy chế tạm thời về thuế tiêu thụ và không có game online trong danh mục 21 sản phẩm đánh thuế.

Hàn Quốc sử dụng chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt chủ yếu với các mặt hàng xa xỉ phẩm, các sản phẩm có ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng cũng như các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, số thu ngân sách từ thuế Tiêu thụ đặc biệt đạt khoảng 5.000 tỷ Won (khoảng 4,5 tỷ USD), trong đó 90% số thu từ các sản phẩm dầu mỏ và phương tiện vận tải. Trong danh mục hàng hoá chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt theo Luật thuế của Hàn Quốc cũng không có game online.

Ở Nhật Bản, game online không phải là sản phẩm hạn chế tiêu dùng và do đó, không chịu một sắc thuế đặc biệt nào. Nhật Bản cũng không yêu cầu các công ty kinh doanh game online phải có giấy phép khi phát hành game online mà tuân theo các quy định của ngành giải trí truyền thông như: chống sử dụng tư liệu tình dục liên quan đến trẻ em; chống cờ bạc; chống hẹn hò trên mạng với người dưới 18 tuổi; Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt của Singapore đánh chủ yếu vào mặt hàng thuốc lá, các sản phẩm dầu mỏ và rượu. Các công ty kinh doanh game online được Chính phủ hỗ trợ phát triển, ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh phí tổ chức các hội thảo xây dựng phát triển game.

Riêng ở Lào, theo nguồn từ trang web thuế của Chính phủ Lào, Điều 18 liệt kê các loại hàng hóa đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt không có dịch vụ trò chơi điện tử mà chỉ có các loại thiết bị chơi game (mục 19: All kind of game-playing machine). Như vậy, Lào không đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm game online mà đánh thuế vào thiết bị chơi game.