Nghiên cứu về đánh thuế khi mua nhà thứ hai tại Việt Nam của Bộ Tài chính là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của thị trường bất động sản 2016. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng tại Việt Nam sẽ khá là phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh.

Vừa đề xuất đã thấy khó

Trả lời báo chí một số vấn đề về kế hoạch ngân sách tài chính 5 năm sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu đến thuế tài sản, đặc biệt sẽ đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ hai trở lên,...

Điển hình như ở Singapore, khi mua bất động sản, người mua sẽ phải trả thêm 3%. Tuy nhiên, khi mua từ bất động sản thứ hai trở đi, họ sẽ phải trả thuế thêm là 7%. Do đó, người mua có quốc tịch Singapore sẽ phải trả tổng cộng là 10% cho ngôi nhà thứ hai. Con số này là 15% cho người nước ngoài mua nhà ở quốc đảo xinh đẹp.

Phát biểu tại hội thảo thường niên thị trường bất động sản 2016-2017, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho hay đến lúc này Việt Nam mới tính đánh thuế tài sản đối với nhà là quá muộn.

{keywords}

Năm tới cơ quan thuế sẽ tiến hành đánh thuế nhà thứ hai đối trở đi đối với những người sở hữu nhiều bất động sản.

Theo ông Võ, Việt Nam không đánh thuế vào tài sản trên đất mà chỉ đánh vào đất với tỷ suất khá thấp là 0,03% theo bảng giá đất của Nhà nước. Trong khi đó, tại nước ngoài, họ đánh thuế cả đất và nhà trên nguyên tắc từ 1-1,5% giá trị thị trường. Ngoài lý do chống đầu cơ thì nguồn thu từ đánh thuế tài sản căn nhà thứ hai trở đi sẽ mang tới nguồn lực phát triển hạ tầng và nâng cấp đô thị rất lớn, giải quyết phần nào bài toán vốn phát triển hạ tầng, vốn chật vật trong suốt nhiều năm qua.

Ngược lại, dưới góc độ của chuyên gia BĐS, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản VN, nhận định, thị trường sau nhiều năm trầm lắng đang rất cần sự hỗ trợ của chính sách, việc áp thuế tăng thêm khi mua căn nhà thứ hai tại thời điểm này là không phù hợp. 

Nguyên nhân là hạ tầng thông tin chưa đảm bảo, việc cập nhật, giám sát thông tin về nhà ở còn rất yếu nên nếu áp dụng sẽ rất dễ dẫn đến mất công bằng, người cần thu thuế thì không thu được.

Tổng giám đốc Công ty tư vấn Jones Lang Lasalle đánh giá thách thức lớn nhất đối khi áp dụng điều luật này tại Việt Nam là có thể xây dựng một hệ thống để nhận biết và quản lý người mua bất động sản, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá là phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh.

Lộ trình đánh thuế

Trước sự quan tâm của thị trường, tại hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản 2017 - Tác động chính sách" vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,  Bộ Tài Chính, nói rằng đây là ý tưởng trung hạn, đã nghiên cứu từ cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, đánh như thế nào và khi nào áp dụng thì thực tế về nguyên tắc sẽ cần thời gian để làm rõ.

{keywords}

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu, việc đánh thuế nhà ở thứ hai là giải pháp tốt để hạn chế đầu cơ bất động sản.

Theo ông Phụng, việc điều tiết thuế là rất quan trọng, nhưng với cơ chế quản lý thông tin đất đai chưa có hệ thống đăng ký liên thông như hiện nay, thì việc đánh thuế không dễ. Dưới quan điểm quản lý nhà nước, thì việc đánh thuế chỉ căn cứ vào thu nhập và tài sản của từng người, chứ không thể đánh thuế đồng bộ, như thế mới đảm bảo công bằng, minh bạch.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho rằng, nhiều khả năng trong năm 2017 chưa thể áp dụng sắc thuế này vì phải có thời gian xây dựng, xem xét kỹ. Còn trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu, không chỉ vì ngân sách khó khăn mà các nước họ đã đánh thuế này từ nhiều năm nay rồi.

Mới đây, tại tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cũng nói thêm, trong các ủy ban của Quốc hội, xu thế muốn đánh thuế nhà thứ 2 đang dần được ủng hộ, nhưng thời điểm nào đưa ra thì phải căn cứ vào tác động với thị trường.

“Dự kiến năm 2017, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục đánh giá, theo dõi thêm thị trường. Nếu các nhà đầu tư không tận dụng cơ hội, năm 2018 kinh tế tốt hơn lên thì chính sách hỗ trợ, đặc biệt chính sách thuế lại đặt ra rất quyết liệt, có thể sẽ được thông qua vào tháng 5/2018. Tình hình kinh tế năm 2017 sẽ quyết định bước đi của năm 2018”, ông Kiên nói.

Nhìn chung, việc đánh thuế vào người mua bất động sản ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam sẽ có tác động tích cực lên thị trường khi có một hệ thống thuế thích hợp được áp dụng. Kiến nghị ban đầu này khá ổn, tuy nhiên để hiện thực hóa được sẽ còn cần nhiều bước.

Nếu mua 5 căn hộ trong một dự án thì dễ thấy, nhưng nếu mua 10 căn ở 10 dự án khác nhau thì làm sao biết? Hay một người mua một căn nhà ở TP.HCM, một căn ở Đà Nẵng, một căn ở Cà Mau,... ai quản lý và kiểm soát được? Với hệ thống dữ liệu hiện nay, không dễ đánh được thuế, trong khi khó có thể đòi hỏi sự tự giác của người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM

Với cơ chế quản lý thông tin đất đai chưa có hệ thống đăng ký liên thông như hiện nay, thì việc đánh thuế không dễ.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)

Một người nông dân dành dụm cả đời mua được căn nhà vài trăm triệu cho con ở thành phố đi học rất có thể bị đánh thuế trong khi người giàu mua căn biệt thự cả trăm tỷ đồng có khi lại không chịu thuế, nếu như họ chứng minh đó là căn nhà thứ nhất.

(Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản VN)


Duy Anh