Từ ngày 6-20/9, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trại sáng tác (trại viết) văn học về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng năm 2022. Trại viết đã tập hợp 15 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận văn học trong và ngoài Quân đội, đến từ mọi miền đất nước.
Trại viết lần này, ngoài những nhà văn lão thành đã gắn bó cả “đời chữ” với đề tài người lính và chiến tranh cách mạng như Hà Đình Cẩn, Châu La Việt, Hoàng Quý, An Bình Minh, Hoàng Dự, Nguyễn Thanh Tú… còn có những cây bút trẻ lần đầu tham gia trại viết Quân đội như: Đào Ngọc Vinh, Lê Minh Nhựt, Trương Chí Hùng…
Đây là cơ hội để các nhà văn thuộc nhiều thế hệ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tác cũng như cách tiếp cận, lựa chọn vấn đề, lựa chọn góc nhìn và cách viết, để ngày càng cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị.
Sau hơn 2 tuần, trại viết nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và các đơn vị trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, Thiếu tướng Hồ Văn Thái - Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Quân khu 9 đã cùng với Trung tướng Lưu Phước Lượng, Trung tướng Nguyễn Việt Quân, Thiếu tướng Hồ Việt Trung... dành tình cảm lớn, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên các nhà văn, nhà thơ.
Cộng thêm sự quan tâm sâu sát của BTC, không khí hoạt động trong trại vô cùng rộn ràng, các văn nhân thi sĩ cao tuổi như được trở lại thời trai trẻ. Họ được khơi dậy sức viết mạnh mẽ, mạch nguồn văn học dồi dào.
Đơn cử nhà văn Hà Đình Cẩn - cây bút lão làng ngấp nghé tuổi 80 - đã viết liền một mạch gần xong cuốn tiểu thuyết về những hi sinh mất mát của người chiến sĩ Quân khu 6 trong những ngày tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chỉ trong vỏn vẹn 15 ngày. Ông còn hoàn thành một series truyện ngắn để tham dự cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ.
"Đến trại viết lần này, tôi đạt đúng điểm rơi phong độ, viết rất thích! Phải nói rằng, NXB QĐND không chỉ rất quan tâm tới từng thành viên của trại viết, mà còn có công rất lớn trong việc đào tạo ra lớp nhà văn kế cận, điển hình là nhà văn Vương Thị Thu Thuỷ ở trại viết này. Tổ chức những trại viết thế này là rất quan trọng", ông hồ hởi nói.
Các nhà văn trẻ miền Tây Nam Bộ như Đào Ngọc Vinh, Trương Chí Hùng, Lê Minh Nhựt… viết với tinh thần “đánh thức văn học Cửu Long”, mạnh dạn đương đầu với mảng đề tài về người lính mà lâu nay chưa viết hoặc chưa dám viết.
Nhà văn Trương Chí Hùng nhận thấy trong những năm qua, văn học Đồng bằng sông Cửu Long có những bước tiến đáng kể, ngày càng khẳng định vị thế vững chắc trong bức tranh chung của văn học cả nước. Song về khách quan, các sáng tác ở khu vực này hiện “vừa thừa vừa thiếu”.
"Tuy lực lượng sáng tác đông đảo, số lượng tác phẩm ra đời khá đều đặn hằng năm nhưng nơi đây hầu như luôn thưa vắng các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, lý luận phê bình, trường ca. Mặt khác, đề tài về người lính và chiến tranh cũng ít khi xuất hiện trong các sáng tác của các nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long", anh nói.
Nhà văn trẻ cho rằng việc NXB QĐND quyết định tổ chức trại sáng tác tại Cần Thơ, hướng đến mục tiêu sáng tác thể loại tiểu thuyết và trường ca rất hợp lý. Bởi, trại viết đã góp phần khỏa lấp sự thừa - thiếu cục bộ của văn học Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài đề tài người lính và chiến tranh, các tác phẩm ở trại viết còn khai thác sâu đề tài về vùng đất, con người ở miệt sông nước Cửu Long, giới thiệu nhiều nét văn hóa độc đáo của vùng đất này đến bạn đọc cả nước.
Bên cạnh những nhà văn xuất thân từ quân ngũ, điểm thú vị của trại viết lần này còn có những nhà văn không sống ở thời chiến nhưng say mê sáng tác về đề tài người lính. Họ - thế hệ nhà văn thời hậu chiến - được tin rằng sẽ có góc nhìn và cách khai thác về đề tài chiến tranh khác biệt, độc đáo hơn lớp tiền nhân.
Kết thúc trại viết, ban tổ chức thu được 16 bản thảo tương đối hoàn chỉnh gồm 8 tiểu thuyết, 1 trường ca, 5 tập bút ký và truyện ngắn, 2 tập nghiên cứu phê bình văn học; và 5 đề cương tiểu thuyết, trong đó có một số đề cương, bản thảo tiểu thuyết và trường ca có tính khả thi cao.
Bế mạc trại viết, Đại tá Phạm Văn Trường - Phó Bí thư Đảng uỷ, quyền Giám đốc, Tổng Biên tập NXB QĐND, Trưởng ban Chỉ đạo Trại viết phát biểu: "Văn học viết về chiến tranh cách mạng là một cánh đồng không bao giờ bạc màu, càng lật xới càng màu mỡ. Đề tài về Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ hôm nay vẫn luôn là một chân giá trị, một không gian chứa đựng những trầm tích văn hoá hấp dẫn để các văn nghệ sĩ hăng say lao động và gặt hái những thành công.
Từ kết quả của Trại viết lần này, NXB QĐND với nhiệm vụ vừa là người tổ chức cộng tác viên, tổ chức bản thảo, vừa là "bà đỡ" cho các tác phẩm sẽ tiếp tục đồng hành với các tác giả.
Sự sáng tạo nào cũng tiềm ẩn rủi ro nhưng cũng hứa hẹn tín hiệu khả quan. Với kết quả thu được, có thể nói Trại sáng tác văn học do NXB QĐND tổ chức tại Cần Thơ lần này ngoài thành công về số lượng lẫn chất lượng còn nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Có thể, đó sẽ là tiền đề giúp cho đời sống văn học Đồng bằng sông Cửu Long thực sự cất cánh".
Xuân Chí