Viên ngọc xanh ở vùng biên

Cao Bằng là miền đất cổ, có hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc. Tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, được ví như viên ngọc xanh vùng Đông Bắc Việt Nam.

Bề dày lịch sử cùng nét văn hóa đa sắc hình thành cho tỉnh quần thể di sản văn hóa hơn 200 di tích, trong đó 98 di tích được xếp hạng (tiêu biểu: 03 di tích Quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp Quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh), 02 bảo vật Quốc gia; 06 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đặc biệt di sản Thực hành Then người Tày, Nùng, Thái được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (trong đó có nghi lễ Then tày tỉnh Cao Bằng).

W-hoaikhao-2.png
Xóm du lịch Hoài Khao phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá dân tộc thiểu số

Di sản văn hóa phi vật thể đang lưu giữ tại địa bàn tỉnh có trên 2000 di sản, trong đó: loại hình tiếng nói chữ viết có 06 di sản; loại hình ngữ văn dân gian có 150 di sản; tập quán xã hội và tín ngưỡng có 745 di sản; lễ hội truyền thống có 200 di sản; nghề thủ công truyền thống có 112 di sản; tri thức dân gian có 487 di sản; nghệ thuật trình diễn dân gian có 300 di sản.

Bên cạnh đó, Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái, tô điểm trên vùng đất ngàn năm văn vật những thắng cảnh say đắm lòng người như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi (huyện Trùng Khánh); Quần thể hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hòa) với hệ thống hang động ngầm có giá trị quốc tế cao... trong đó có những giá trị nổi bật về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Khu bảo tồn loài vượn Cao Vít (huyện Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén (huyện Nguyên Bình) với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học với trên 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm....

Cao Bằng có lợi thế hình thành các vùng trồng cây đặc sản như: Miến dong Phia Đén (huyện Nguyên Bình), quả Lê và Thạch đen (huyện Thạch An), hạt Dẻ và thạch trắng Mác Púp (huyện Trùng Khánh), chè Giảo cổ lam, Hà Thủ Ô đỏ. Địa phương còn nổi tiếng như một thiên đường ầm thực với các sản vật được công nhận: Lê Đông Khê lọt vào Top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012; Bánh Coóng phù Cao Bằng lọt vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2015; Xôi Trám, Bánh Coóng phù, Hạt dẻ lọt top 100 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam vào tháng 2/2021; bánh cuốn, bánh áp chao lọt Top món ăn đặc sản Việt Nam (2021- 2022); bánh chè lam, miến dong Phja Đén lọt Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021- 2022)… cùng nhiều danh hiệu khác.

Danh thắng Thác Bản Giốc được các hãng thông tấn, báo chí thế giới vinh danh là thác lớn thứ 04 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; Hãng Sputnik Nga đánh giá là một trong những thác nước đẹp nhất thế giới; Tạp chí Touropia bình chọn là một trong 10 thác nước kỹ vĩ nhất thế giới; Hãng tin Anh Fox News bình chọn là top 7 thác nước hùng vĩ nhất thế giới; tạp chí National Geographic (của Hiệp hội địa lý Hoa Kỳ) bình chọn thác Bản Giốc vào top 7 kỳ quan thiên nhiên ở châu Á. Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được Báo Insider bình chọn là một trong 50 địa điểm có tầm nhìn ngoạn mục, nổi bật nhất trong những kỳ quan và phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn trên khắp thế giới.

Biến di sản văn hoá thành sản phẩm du lịch 

Trong những năm gần đây, du lịch từng bước góp phần quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau 10 năm xây dựng mô hình Làng du lịch cộng đồng, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 07 điểm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng đang được khai thác và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.

Xác định rõ tầm quan trọng của giao thông trong phát huy tiềm năng, thế mạnh cho du lịch cộng đồng của địa phương, tỉnh Cao Bằng đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng giao thông.

Tập trung hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, khai thác hợp lý tài nguyên, cảnh quan du lịch theo nguyên tắc khai thác gắn chặt với bảo tồn; khai thác, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các bản, làng theo mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay), cụ thể như sau:

Từ năm 2009-2013, Dự án Phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng triển khai đầu tư tại xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa với các hạng mục: Cải tạo gầm nhà sàn, hỗ trợ xây mới chuồng, di dời trâu bò ra khỏi gầm nhà sàn; xây nhà vệ sinh khép kín, bể Bioga composite tận dụng khí đốt; xây dựng Trung tâm thông tin, giới thiệu du lịch; đường đi bộ quanh làng, biển chỉ dẫn. Tổ chức dạy thêu thổ cẩm, tham quan học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, thành lập ban quản lý….

Dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc được hỗ trợ đầu tư các công trình vệ sinh khép kín,.  do Trung tâm phát triển cộng đồng Helvetas triển khai. Đến năm 2019, với nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư các hạng mục: nhà văn hóa, tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống, trò chơi dân gian, tập huấn về du lịch cộng đồng, tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm….

Dân tộc Dao Tiền, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình được UBND huyện đầu tư hỗ trợ đường đi lại trong làng, lựa chọn hỗ trợ xây dựng homestay, nhà văn hóa cộng đồng, bãi đỗ xe, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, hướng dẫn nghiệp vụ du lịch,…nhằm xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của huyện đưa vào khai thác du lịch.

Bản Giuồng, xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa được hỗ trợ đầu tư cho các gia đình làm homestay, dự án chia làm 3 giai đoạn (từ 2019-2021) do Công ty TNHH OWL triển khai thực hiện.

Làng hương Phja Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa và Bản Lũng Niếc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh được tổ chức Helvetas Thụy Sỹ tại Việt Nam tài trợ 120.377 CHF (tương đương 2.830.580.000 VNĐ) giai đoạn 2016 – 2019. Qua đó, hỗ trợ 01 hộ gia đình tại Làng hương Phja Thắp, 02 hộ tại Bản Lũng Niếc làm homestay: cải tạo mái nhà âm dương, nhà vệ sinh…Tập huấn cho bà con về kỹ năng làm du lịch cộng đồng (đón tiếp phục vụ khách, tiếng anh giao tiếp cơ bản, dịch vụ xe ôm,..), Tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm, Làm clip quảng bá điểm đến. Đến năm 2016, làng hương Phja Thắp được lựa chọn là 1 trong các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, vì vậy, làng tiếp tục được tỉnh đầu tư: Bãi đỗ xe; biển bảng thuyết minh, hỗ trợ công tác quảng bá.

Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh nằm trong Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày, xóm Khuổi Ky (trong), xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008 đến năm 2015, chủ yếu đầu tư về vật thể: 01 ngôi nhà văn hóa cộng đồng theo kiến trúc của người Tày, xây cầu vào làn, hỗ trợ 14 hộ gia đình xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, lối đi... Đến năm 2016, làng đá cổ Khuổi Ky được lựa chọn là 1 trong các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, vì vậy, làng tiếp tục được đầu tư biển chỉ dẫn, bảng thuyết minh, hỗ trợ công tác quảng bá. Hiện tại, Ban quản lý CVĐC đang tư vấn UBND xã Đàm Thủy tiếp tục hỗ trợ Khuổi ky về thành lập Ban quản lý, đưa người dân đi học tập và tập huấn về chia sẻ lợi ích cộng đồng, phân loại rác thải, …

Hoà An