Giữa những ngày đông, thời tiết lạnh, nhưng những chuyến phà từ Cát Hải sang Cát Bà vẫn tấp nập xe ô tô nối đuôi nhau. Đối với bà Nguyễn Thị Tâm, một người dân sống trên đảo, năm nay là một mùa đông “không lạnh”, bởi bà vẫn bán được nhiều hàng.
Kể từ khi, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam thông xe, chặng đường từ Hải Phòng ra Cát Bà đã ngắn đi rất nhiều. Giờ chỉ còn duy nhất một chuyến phà. Khách qua phà đông, bà cũng vui hơn vì kiếm được thêm được chút đỉnh. Bà bày tỏ niềm vui mừng khi cây cầu là mơ ước của biết bao thế hệ người dân đảo. Đây có thể nói là công trình thế kỷ của huyện Cát Hải cũng như thành phố Hải Phòng.
Bao nhiêu năm phải lênh đênh trên những chuyến phà vượt biển, người dân huyện Cát Hải lần đầu tiên được kết nối với thành phố Hải Phòng bằng một cây cầu. Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện được thông xe và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Dự án cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng mức đầu tư là gần 12.000 tỷ đồng. Khổ thông thuyền hai khoang dưới cầu rộng 100 m, cao 12 m, đảm bảo tàu trọng tải lớn đi qua. Cầu có tốc độ thiết kế 80 km/giờ với quy mô 4 làn xe.
Theo thiết kế, dự án có 2 nút giao là nút giao Tân Vũ kết nối vào đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Nút giao số 1 kết nối với đường trục chính Tây - Nam khu công nghiệp Đình Vũ.
Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện sau khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại cũng như giảm tai nạn, rủi ro do vận chuyển bằng phà, sà lan.
Đồng thời kích thích phát triển công nghiệp ở ven biển Hải Phòng, thúc đẩy các hoạt động du lịch tại khu vực dự trữ sinh quyển trên đảo Cát Bà và các khu vực lân cận.
Quần đảo Cát Bà nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 50 km về phía Đông và nằm liền kề Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Với 366 hòn đảo lớn nhỏ, Cát Bà có một cảnh quan tuyệt đẹp với sự hài hòa giữa núi rừng và biển.
Bãi biển Cát Cò |
Ngoài việc tham quan những địa danh lịch sử, văn hóa như Pháo đài thần công với gió lồng lộng và tầm nhìn toàn cảnh mênh mông xa thẳm. Hang quân y kết hợp giữa tự nhiên và bàn tay con người, là bệnh viện dã chiến nằm sâu trong thung lũng Khe Sâu, được xây dựng bằng bê tông cốt thép chắc chắn với 3 tầng trong lòng núi, 17 phòng bên trong với sức chứa hơn 100 người.
Khu di chỉ Cái Bèo, làng Việt Hải, Suối Gôi,... gắn liền với những sự tích cổ... du khách có thể thả hồn trong cảnh thanh bình khi đi bộ trong Vườn quốc gia Cát Bà, và tự mình khám phá nhiều nét đặt sắc, ấn tượng của biển đảo mùa đông.
Từ Vịnh Lan Hạ du khách đi mất khoảng một tiếng để đến với Việt Hải - làng Việt Hải lọt thỏm dưới thung lũng được bao bọc bởi núi non và rừng già. Đến với Việt Hải du khách như quên hết những lo âu đời thường, chỉ biết đắm mình trong không gian vô tận của núi rừng, của khung cảnh đẹp trầm mặc.
Ra đảo vào mùa đông cũng nhiều điều thi vị. Du khách sẽ không còn thấy cảnh đông đúc, bầu trời lại trong xanh nên rất thích hợp cho việc ngắm cảnh hay tham gia những tour du lịch sinh thái.
Báo cáo của ngành du lịch Hải Phòng cho hay, năm 2017, lượng khách du lịch đến với Cát Bà và doanh thu từ du lịch tăng cao so với năm 2016. Tính đến tháng 11 năm 2017, tổng số lượt khách du lịch đến Cát Bà đạt hơn 2 triệu lượt khách, tăng 25,43%.
Trong đó, khách quốc tế đạt 450.000 lượt, tăng 42,01% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch đạt 1.052,8 tỷ đồng, tăng 25,13% so với cùng kỳ.
Theo Đề án "Phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030" của UBND thành phố Hải Phòng, thành phố sẽ xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, không có khí thải của phương tiện cơ giới, trở thành khu du lịch quốc gia.
Cát Bà có 5 địa bàn trọng điểm du lịch: thị trấn Cát Bà - khu đô thị Cái Giá; Trung tâm Vườn quốc gia - Việt Hải; Phù Long - Gia Luận; Xuân Đám - Trân Châu - Hiền Hào và vịnh Lan Hạ. Đặc biệt, quy hoạch còn bổ sung xây dựng khu dịch vụ bến thủy phi cơ và mở rộng khu dịch vụ du thuyền thuộc vịnh Cái Giá.
Ngoài ra, các dịch vụ vui chơi, giải trí như: trượt xe địa hình, du lịch khinh khí cầu, tuyến cáp treo Cát Bà - Hòn Ông, công viên đại dương… được phát triển song song với hình thức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm các giá trị cảnh quan.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách du lịch, huyện Cát Hải đã quản lý chặt chẽ về giá cả thị trường, giá phòng lưu trú cũng như dịch vụ ăn uống; đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn bãi tắm, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và chỉnh trang cảnh quan khu du lịch; tập trung cao công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Cát Bà sẽ trở thành một trong những điểm đến khó quên của du khách trong và ngoài nước. Do vậy, cơ hội phát triển du lịch của Cát Bà là rất lớn, trong đó cơ hội để đầu tư, phát triển và tìm kiếm lợi nhuận từ ngành bất động sản du lịch tại đây cũng lớn hơn bao giờ hết.
Dự án được thiết kế với 3 khu resort riêng biệt, gồm các tòa biệt thự trên cao kết hợp phòng nghỉ dưỡng cùng hệ thống các dịch vụ, tiện ích giải trí đi kèm. Dự kiến, Flamingo Cát Bà Beach Resort sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý 4/2019.
Các dự án lớn được Hải Phòng kỳ vọng giúp đảo Cát Bà thoát khỏi sự phát triển manh mún, tự phát, biến Cát Bà thành một đảo du lịch với nhiều dịch vụ độc đáo.
Một nhà máy quan trọng khác cũng được nhắc tới, đó là Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast. Mặc dù không phải là lĩnh vực du lịch nhưng cũng sẽ đóng góp rất lớn cho huyện đảo Cát Hải. Mục tiêu của nhà máy là trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Du lịch đánh giá: “Cát Bà đang chuyển mình với sự có mặt của những nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn như Sun Group, Flamingo… làm cho viên ngọc Cát Bà trở nên lấp lánh hơn”.
“Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ nhìn thấy đảo ngọc Cát Bà sẽ chuyển mình và thực sự trở thành điểm đến mới chất lượng cao của du lịch Việt Nam”, ông Tuấn khẳng định.
Duy Anh