Một số quan chức và nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) lo ngại danh sách công nghệ quan trọng mà khối vừa công bố ngày 3/9, có thể bị lợi dụng để các quốc gia thành viên lớn hơn tăng cường bảo hộ doanh nghiệp trong nước.
Trước đó, Bloomberg đưa tin, các công nghệ trong danh sách “nhạy cảm” sẽ được EU ưu tiên hỗ trợ và ngăn chặn sử dụng cho mục đích quân sự.
Đây là động thái nằm trong chiến lược tổng thể về an ninh kinh tế của châu Âu, nhằm đảm bảo công nghệ tiên tiến không rơi vào tay kẻ xấu, đồng thời giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng duy nhất, chẳng hạn như Trung Quốc.
Theo đó, EU sẽ hợp tác cùng các quốc gia thành viên, tiến hành đánh giá rủi ro với từng loại công nghệ vào cuối năm 2023. Sau đó, cả khối sẽ xác định các bước tiếp theo, ví dụ như áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu hay sàng lọc đầu tư ra nước ngoài.
Việc đánh giá rủi ro công nghệ có phạm vi toàn khối, không dành riêng cho từng quốc gia, sẽ xác định mức độ lỗ hổng và vạch ra ranh giới an toàn cho từng công nghệ có liên quan nhóm ưu tiên.
Danh sách công nghệ rộng hơn gồm có: kết nối tiên tiến, điều hướng và công nghệ kỹ thuật số; công nghệ cảm biến tiên tiến; không gian và lực đẩy, bao gồm cả siêu âm; năng lượng, bao gồm phản ứng tổng hợp hạt nhân; robot; vật liệu tiên tiến, công nghệ sản xuất và tái chế.
Hiện nội bộ Ủy ban châu Âu cũng có sự chia rẽ về cách thức phân loại công nghệ, khi một số quan chức muốn danh sách có phạm vi hẹp hơn. Nguyên nhân là do việc liệt kê danh sách quá rộng, có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp xin trợ cấp từ phía chính phủ.
Những hành vi như vậy sẽ làm biến dạng thị trường chung, do những nền kinh tế lớn, chẳng hạn như Pháp và Đức có lợi thế vượt trội, so với các quốc gia nhỏ hơn không đủ tiềm lực tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định, danh sách có phạm vi rộng, có thể gửi tín hiệu sai tới các nhà đầu tư, những người lo ngại EU có thể thêm hoặc bớt các công nghệ nhạy cảm trong tương lai.
(Theo Bloomberg)