"Ngày xưa Vinaxuki làm xe tải ở nhà máy Thanh Hoá rất tốt nhưng ông Huyên không tỉnh táo, đi theo giấc mơ ôtô Việt Nam hoang đường...".

Trong hai năm 2014-2015, Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã nhiều lần gửi đơn lên Chính phủ đề nghị giúp đỡ để phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hoá. Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, cho rằng nếu ông Bùi Ngọc Huyên đi theo hướng lắp ráp xe tải thì bây giờ đã có hàng nghìn tỷ đồng.

- Mới đây, Vinaxuki lại kêu cứu lên Thủ tướng khi doanh nghiệp này vẫn loay hoay bài toán vay vốn làm ăn, sắp rơi vào tình trạng phá sản. Thưa ông, về phía Bộ Công Thương đã có những hỗ trợ gì cho doanh nghiệp này thời gian qua?

Ông Phạm Anh Tuấn: Bộ đã rất nhiều lần hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như các năm 2010, 2012, 2013, hay mới nhất là 2015, họ có công văn gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, về việc tháo gỡ khó khăn.

Vấn đề lớn nhất của đơn vị này chính là tái cơ cấu nợ, tiếp tục vay vốn lưu động tại Vietcombank và xin vay 250 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Bộ Công Thương đã có công văn 1737/BCT-CNNg gửi Văn phòng Chính phủ, đề nghị xem xét cho doanh nghiệp chuyển khoản nợ vay đầu tư cả gốc và lãi là 630 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Vietcombak sang vay của VDB. Tuy nhiên, theo công văn của Bộ Tài chính thì đề nghị xin chuyển vốn vay này không phù hợp về tín dụng, nên không có cơ sở pháp lý để xem xét.

{keywords}

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng, Bộ Công Thương.

Sau đó, Bộ Công Thương hỗ trợ bằng cách tham vấn tất cả các câu hỏi với Ngân hàng Phát triển và Bộ Tài chính, nhưng đều không giải quyết được.

Bộ Công Thương đã ít nhất là 5 lần xuống công ty để xem xét các dự án, đồng thời mời một số công ty khác xem xét, mua lại dự án của Vinaxuki để tạo tài chính cho họ làm ăn tiếp, nhưng không hiểu sao khách hàng không muốn mua.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn hỗ trợ về sản xuất như xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô, chính sách lắp ráp xe tải...

Đến năm 2015, tại BIDV và Vietinbank, doanh nghiệp đã vào nợ nhóm 1; tại VIB là nợ nhóm 2. Hiện vấn đề có cho vay tiếp hay không là phụ thuộc vào các ngân hàng, Bộ Tài chính.

- Ông đánh giá thế nào về Vinaxuki?

- Trước đây, họ lắp ráp xe tải rất tốt nhưng lại chuyển sang đầu tư lớn chế tạo khuôn mẫu để sản xuất xe con, chế tạo 4.000 tấn khuôn mẫu. Ngay sau đó, thị trường khó khăn, gặp hạn về tài chính nên dự án không khả thi, không ra được sản phẩm.

Chúng tôi đã xuống tận nơi xem sản phẩm rồi. Khó đánh giá chất lượng, vì đánh giá phải hoàn chỉnh sản phẩm rồi qua đăng kiểm để xác nhận là có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật không, sau đó mới đưa ra thị trường.

Tuy nhiên cũng phải nói thật, ôtô con của Vinaxuki chỉ là giống ôtô thôi, không có thiết kế. Ôtô là sản phẩm cực kỳ phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao. Nếu so sánh với các dòng sản phẩm bằng mức giá của ôtô Trung Quốc thì còn thua xa.

Ngày xưa, doanh nghiệp làm xe tải ở nhà máy tại Thanh Hoá rất tốt nhưng ông Huyên không tỉnh táo, đi theo giấc mơ ôtô Việt Nam hoang đường. Nếu không bây giờ đã có hàng nghìn tỷ đồng.

Một người tâm huyết như thế thất bại rất là đáng buồn. Nhưng nó do thị trường, do nhiều cái bất khả kháng, cũng có thể là do doanh nghiệp không hiểu về quy trình đầu tư.

- Câu chuyện Vinaxuki khiến nhiều người đau xót cho rằng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã thất bại?

- Không thể nói như thế được. Hiện nay, Thaco cũng nội địa hoá nhưng người ta cẩn trọng từng bước một và theo quy trình. Hay như Công ty cổ phần ôtô TMT, cũng là xe tải nhưng người ta làm từng bước.

Cái khó của bác Huyên là làm xe tải nội địa hoá rồi chuyển sang xe con. Xe con thì các hãng khác làm nhiều quá rồi, Vinaxuki đi sau làm sao mà cạnh tranh được.

{keywords}

Ôtô của Vinaxuki sản xuất ra rồi để bụi phủ dầy khắp nơi do lâu không hoạt động.

Nội địa hoá, theo chiến lược quy hoạch công nghiệp phát triển ôtô Việt Nam, hiện nay là tập trung phát triển xe tải, xe bus, xe khách, những xe bây giờ có nhu cầu phát triển thị trường và phục vụ sản xuất. Giấc mơ xe hơi Việt Nam thì còn lâu, vì chiến lược mình không tập trung vào sản xuất xe con mà chỉ vào dòng xe thương mại.

Không phải vì một doanh nghiệp mà kết luận giấc mơ nội địa hoá của Việt Nam không thành công. Vì như thế là không toàn diện, rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào sản xuất ôtô, có doanh nghiệp này, có doanh nghiệp khác. Nội địa hoá nó phụ thuộc vào thị trường là chính. Nếu thị trường nó đủ lớn ấy thì khả năng nội địa hoá nó sẽ tăng lên.

- Đến năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, phụ tùng từ các nước ASEAN sẽ giảm về 0%. Nếu không có bước đi đột phá, xây dựng hàng rào kỹ thuật cụ thể chúng ta khó phát triển được ngành công nghiệp ôtô như mong muốn?

- Thực ra mà nói, ở ASEAN các tập đoàn lớn như Toyota, Honda phân khúc thị trường xe con rất rõ ràng, khác với thị trường Việt Nam.

Còn xe tải, xe khách, xe du lịch, xe chuyên dùng là xe phương tiện sản xuất, cồng kềnh, khó vận chuyển thì Việt Nam mình có lợi thế. Một số tập đoàn như Thaco làm rất tốt, thì khả năng cạnh tranh vẫn còn.

Ngoài thuế nhập khẩu sẽ còn những thuế khác nữa như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất trong nước. Chỉ phụ tùng linh kiện Việt Nam chưa sản xuất được thì mới được ưu đãi thuế nhập khẩu.

- Nói như ông thì đến 2018 người Việt không được dùng ôtô giá rẻ?

- Chưa thể nói trước được vì giá cả còn phụ thuộc vào doanh nghiệp quyết định, do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp. Tất nhiên tương lai sẽ rẻ hơn so với trước kia, nhưng nếu so sánh rẻ hơn so với các nước khác như Ấn Độ thì hơi khó. Vì ngành công nghiệp ôtô của họ lâu rồi, Việt Nam mới đầu tư, khấu hao máy móc chi phí nhân công đắt lên mà kỹ năng thì không cao.

- Quay trở lại với Vinaxuki, thời gian tới, Bộ Công Thương có hỗ trợ, hay giải pháp nào tháo gỡ khó khăn không?

- Khó lắm. Bộ Công Thương chỉ hỗ trợ cách làm thủ tục nếu có yêu cầu, chứ không còn phương pháp nào khác. Bộ sẽ chỉ hỗ trợ chính sách, thúc đẩy bán hàng, chứ không hỗ trợ bằng tiền được.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Zing)