- Là khách mời trong chuyên mục Hotface, danh hài Phú Quý đã không giấu được sự xúc động, rơi nước mắt khi kể về những kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Clip 1: Danh hài Phú Quý với những ký ức về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Clip 2: Dành hài Phú Quý với những câu chuyện về thời hoàng kim. Xem toàn bộ phần 1 trò chuyện với danh hài Phú Quý.
Lần gặp gỡ giữa cậu bé Phú Quý - con một người bán cháo vịt với kỳ nữ Lệ Thủy rất thú vị, thưa ông?
Danh hài Phú Quý: Hồi đó mẹ bán cháo vịt trước cổng rạp hát, tôi xin đi coi với người anh. Lúc đó cô Lệ Thủy chưa nổi tiếng. Tôi và cô Lệ Thủy chỉ gặp nhau vài ngày mà ngộ giọng hát cô tới hôm nay vẫn không hề thay đổi, vẫn ngọt. Tôi, nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương từng cùng nhau xây dựng sân khấu vàng, gom anh em nghệ sĩ có tấm lòng hát gây quỹ ủng hộ nhà tình thương.
Con đường nghệ thuật của anh ba chìm bảy nổi, từng gián đoạn đi làm thợ bạc, công nhân bến xe,... Anh hãy chia sẻ giai đoạn đầy trắc trở này?
- Sau năm 1975, giám đốc bến xe miền Tây thuộc Sở Giao thông vận tải yêu văn nghệ, quy tụ các anh em nghệ sĩ nổi danh thời trước như nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hà, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cô Lan Ngọc, cô Ngọc Tuyết, Hùng Cường…
Chương trình lúc đó không có cổ nhạc nên ông giám đốc bảo đội văn nghệ phải có cải lương nên mấy người bạn giới thiệu tôi. Lúc đó tôi không tên tuổi, được cái ca giọng cổ hay. Ông giám đốc bảo tôi ký hợp đồng làm công nhân bến xe miền Tây, đeo băng đỏ ký tên cho xe ra vô.
Danh hài Phú Quý. |
Lúc làm soát vé ở xe cảng miền Tây, anh may mắn có cơ hội phát huy tài năng của mình?
- Chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) khi đó là Bí thư thành ủy. Chú có tình cảm với công nhân viên, anh em nghệ sĩ. Chính chú đã xây dựng nên chương trình "Tiếng cười sân khấu" để nghệ sĩ họp nhau tạo ra tiếng cười cho khán giả. Tôi còn nhớ năm đó, chú nói với lãnh đạo năm nay sẽ ăn Tết tại bến xe miền Tây. Lúc đó tôi đã đi hát kiếm tiền vì có gia đình hai đứa con, lương công nhân viên không là bao nhiêu.
Ban giám đốc thông báo Bí thư thành ủy sẽ đến ăn Tết nên đội văn nghệ phải tập ráo riết. Chú Sáu yêu cải lương nên khi nghe tôi hát bài về tình cảm giữa vợ chồng anh tài xế rất thích. Chú Sáu Dân nghe xong vỗ tay và gặp tôi ôm vai nói với ban lãnh đạo: "Đây là hạt nhân phong trào, phải ráng có chế độ nuôi dưỡng đàng hoàng".
Cuộc gặp gỡ với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là ngã rẽ cuộc đời anh?
- Vâng. Lời động viên của chú là động lực lớn để tôi có được ngày hôm nay. Tôi không thể nào quên hình ảnh của chú Sáu Dân, một người cha, một người bác đặt bàn tay ấm áp lên vai tôi.
Hôm nghe tin chú Sáu Dân mất, tôi chạy xe gắn máy loanh quanh cửa Dinh Độc Lập rồi mới trấn tĩnh để vào thắp nhang chú. Nhớ những ngày Tết tôi đến thăm, chú Sáu nói với mấy chú bảo vệ: 'Cho thằng Quý vô thăm bọn bay ơi". Tôi đến ca cho chú nghe mà không có đàn, còn chú lấy bánh mứt cho tôi ăn.
(Danh hài Phú Quý nghẹn ngào rơi nước mắt)
Tất cả mọi việc cũng qua. Tôi nghĩ gặp nhau ta hãy cứ vui, dòng đời như nước chảy mây trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương để lại đời.
Khởi đầu là nghệ sĩ cải lương nhưng lại thành danh trên sân khấu hài, đặc biệt giai đoạn những năm 80, 90, anh đã bao giờ lý giải vì điều gì?
- Tôi thấy vui, hạnh phúc và có chút tự hào. Năng khiếu của tôi làm cho mọi người vui, cả trên sân khấu lẫn trong sinh hoạt ngoài đời. Nhiều người hỏi: "Anh Phú Quý ơi, sao anh không khác gì trên sân khấu?" Tôi bảo: Vì sân khấu là đời, đời là sân khấu. Tôi đem hết những gì ngoài đời chuyển tải lên sân khấu. Ngay cả chất giọng cũng vậy, qua điện thoại mọi người cũng nhận ra tôi.
Anh nói gì về mối ân tình với nghệ sĩ Kim Cương - người đã đưa anh từ sân khấu cải lương sang sân khấu hài?
- Tôi xem chị Kim Cương như người thầy, người chị. Hồi đó sân khấu kịch Kim Cương lớn lắm, khi gặp chị tôi run. Chị kêu tôi đến nhà đưa cho kịch bản và nói: 'Chú về học, tuần sau diễn". Tôi từ chối: "Thôi em không làm nổi đâu chị ơi". Chị cười bảo, đây là cơ hội, không nhận sau này hối hận.
Tôi vẫn nhớ mình đã đi từ nhà chị Kim Cương về lúc đó nghèo vừa đạp xe vừa suy nghĩ đến nửa đường vòng xe quay lại gặp chị nói: ''Em nhận". Suất hát đầu tiên sân khấu Kim Cương ở rạp Long Vân tôi diễn khán giả ngồi ghế sắt xem khi đóng màn nhung lại tiếng vỗ tay rần rần, các chị ôm tôi nói: "Quý ơi, em thành công rồi".
Thời đỉnh cao anh chạy một ngày 14-15 show tiền nhiều đến nỗi bỏ bao tải cất dưới gầm giường?
- Trời thương thôi. Hồi đó đi hát có khán giả quý tặng miếng đất tôi không nghĩ kinh doanh nên bán lấy tiền cho bao cát cột lại bỏ dưới gầm giường rồi lo đi hát. Cuộc đời tôi chỉ biết nghệ thuật, không biết kinh doanh.
Nhiều nghệ sĩ cùng thời được phong danh hiệu NSND, NSƯT, riêng anh đóng góp không ít cho nghệ thuật nước nhà nhưng lại không có danh hiệu nào...
- Tôi vượt hẳn tiêu chuẩn để phong danh hiệu vì đã có trong tay hơn 2 HCV sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, thêm 1 HCB. Còn quá trình cống hiến của tôi khỏi nói, dày đặc. Tôi đi diễn đã 40 năm, đã hát cho lãnh đạo, cho công chúng, khán giả khắp nơi.
Cách đây 12 năm, tôi kỷ niệm 25 năm thành danh trong làng cười bằng liveshow tại sân khấu Trống Đồng, có 5000 khán giả đến xem. Tôi rất tự hào vì chưa có liveshow nào của các em thế hệ sau này có số lượng khán giả đông như vậy.
Anh nhận xét gì về cách diễn hài của các nghệ sĩ hài trẻ đắt show hiện nay, như Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương?
- Ông bà xưa nói: "Cờ trong tay ai nấy phất, thời ai người nấy hưởng". Tôi nhận xét có khi bị nói mình muốn như vậy không được thành ra đi chỉ trích hoặc có khi nói ra sẽ làm mất đi tình đồng nghiệp. Bây giờ người ta mời các cháu đó không hà, diễn khán giả vỗ tay nhiều lắm. Cờ tới tay các em phất, mình chen vô có khi cờ phất trúng mặt, mệt lắm.
Phần 2: Hôn nhân của danh hài Phú Quý và vợ kém 20 tuổi
Quỳnh Loan - Sơn Hà - Văn Châu - Đức Yên
Ảnh: Lữ Đắc Long