Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số
Ngày 22/9, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/ chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương ngày 26/8/2020 (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Theo thông báo, để phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia giai đoạn mới, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, về triển khai chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số, trong đó lồng ghép các nội dung Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử, Chính phủ số/chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số. Thời hạn cần hoàn thành là trong quý III/2020.
Các bộ, ngành, địa phương còn được yêu cầu duy trì, tiếp tục phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng CNTT trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội sau thời gian dịch bệnh Covid-19. Việc này là để chuyển sang một trạng thái bình thường mới, khi các hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức được chuyển dần lên môi trường số, dựa trên nền tảng công nghệ số.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, bắt đầu từ năm 2021, sẽ đánh giá, công bố xếp hạng chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm. Để thực hiện được việc này, Bộ TT&TT phải khẩn trương xây dựng, công bố Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương trong năm 2020.
Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì việc rà soát, tổng hợp, đề xuất bổ sung quy hoạch và thành lập các khu CNTT tập trung, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng “Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng “Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, bảo đảm phù hợp với các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Quyết định 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng “Đề án hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đưa vào sử dụng 2 CSDL quốc gia dân cư, đất đai trong tháng 7/2021
Cũng trong kết luận hội nghị ngày 26/8, để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong 2020.
Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ TT&TT hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử trong quý III/2020.
Cùng với đó, Bộ TT&TT hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong quý III/2020, bảo đảm phù hợp xu thế phát triển của thế giới và đặc thù của Việt Nam.
Các nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện chuyển đổi số là một nội dung quan trọng trong kết luận của Thủ tướng tại hội nghị của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 26/8 (Ảnh minh họa) |
Tiến độ triển khai 2 CSDL quốc gia quan trọng tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử là CSDL quốc gia về dân cư và CSDL đất đai quốc gia tiếp tục được Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh.
Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 7/2021, Bộ Công an phải đưa vào khai thác sử dụng chính thức CSDL quốc gia về dân cư trên toàn quốc. Bộ TN&MT cần nghiên cứu thực hiện cách làm mới để hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng CSDL đất đai quốc gia trong tháng 7/2021.
Về các nền tảng, hạ tầng Chính phủ số, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP) trong tháng 10/2020 và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đồng thời triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020.
Bộ TT&TT được giao chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng.
Riêng về cung cấp DVCTT, Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp DVCTT mức 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian; phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Hàng tháng, Bộ TT&TT thống kê tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, địa phương để đôn đốc triển khai.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương còn được yêu cầu tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện DVCTT để tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ/tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến do Bộ TT&TT xây dựng, quản lý để đánh giá hiệu quả sử dụng DVCTT của các bộ, ngành, địa phương…
Xây dựng Đề án kiện toàn, nâng cấp, tổ chức lại Cục Tin học hóa Thủ tướng giao Bộ TT&TT xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án kiện toàn, nâng cấp, tổ chức lại Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) với cơ cấu tổ chức phù hợp và các chế độ ưu đãi, cơ chế tài chính đặc thù nhằm thu hút được nguồn nhân lực chất lượng, đảm bảo đủ năng lực, nguồn lực để tổ chức triển khai tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ làm việc với Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan về phương án kiện toàn, nâng cấp các đơn vị chuyên trách về CNTT thành các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. |
M.T
Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030
“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.