Đầu tháng 3/2015, Netindex.com, một trang đo tốc độ truy cập Internet đã đưa ra đánh giá: tốc độ download của Internet tại Việt Nam đạt mức 16,85Mbps, đứng thứ 57 trên toàn cầu. Với tốc độ trên, Internet Việt Nam đang đứng liền ngay sau Qatar (thứ 56, tốc độ 17,33 Mbps) và trên cả Australia (thứ 58, tốc độ 16,82 Mbps). Và nếu so sánh riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau hai quốc gia là Singapore (xếp thứ 1 thế giới với tốc độ 111,62 Mbps), Thái Lan (đứng thứ 53 với tốc độ 19,62 Mbps).

Cũng theo đánh giá của Netindex.com, ngày 2/3/2015, tại khu vực Hà Nội, ISP có tốc độ download cao nhất là CMC (26,39 Mbps), VNPT đứng thứ 2 (22,07 Mbps), thứ 3 là FPT Telecom (21,27 Mbps) và tiếp đó là Viettel (14,77 Mbps).

Trao đổi với ICTnews về kết quả đánh giá của Netindex, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP NetNam cho rằng, cũng như một số báo cáo khác, kết quả đánh giá của Netindex là một kênh thông tin tham khảo hữu ích, nhưng không phải là duy nhất cho Internet Việt Nam. “Lý do cũng đơn giản. Vì báo cáo này chỉ dựa trên những thông tin mà Netindex thu thập được thông qua trang web speedtest.net. Do đó, cũng khó mà nói được rằng báo cáo này phản ánh đúng hoàn toàn thực trạng phát triển Internet Việt Nam”, ông Bình nói.

Về cách thức Netindex thu thập thông tin về tốc độ Internet, ông Bình cho hay, Netindex có một hệ thống phần mềm, họ cho các đối tác tải về cài trên máy chủ có IP trên Internet.  Khi muốn kiểm tra tốc độ download/upload từ máy tính của mình tới một điểm nào đó, người sử dụng truy cập vào trang web speedtest.net hoặc dùng phần mềm riêng của họ để chọn một điểm và thực hiện đo đạc thử. Kết quả đo của người dùng sẽ được ghi lại trong cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho các thống kê. Điều này cũng có nghĩa là Netindex chỉ có dữ liệu khi người dùng sử dụng speedtest.net để đo thử tốc độ; và từng phép đo có tính thời điểm.

Với cách thức thu thập kể trên, Tổng giám đốc NetNam Vũ Thế Bình nhận định: đánh giá của Netindex có thể coi là một kênh thông tin tham khảo. Tuy nhiên, thực tế rất khó để nói kết quả đánh giá đó có phản ánh đúng hay không. Bởi lẽ nó phụ thuộc nhiều yếu tố.

Ví dụ như, người dùng có quan tâm đến việc đo tốc độ hay không; họ hay được chỉ dẫn đo tốc độ bằng cách nào. Nếu người dùng đo qua speedtest.net thì họ chọn máy chủ nào (Nếu họ chọn máy chủ đặt tại Việt Nam hoặc đặt tại chính ISP mà họ dùng, thì rõ ràng tốc độ thử nghiệm sẽ cao hơn nhiều so với chọn máy chủ ở nước khác, ở xa); các ISP có quan tâm đến việc định hướng khách hàng dùng công cụ này để thử, như một công cụ để chứng minh tốc độ cung cấp cho khách hàng hay không?...Ngoài ra, cơ cấu người dùng cũng rất quan trọng, người dùng gia đình thì thường kiểm tra tốc độ với các điểm ở gần, người dùng doanh nghiệp thì thường kiểm tra điểm ở xa.

Liên hệ với dịch vụ của NetNam, ông Vũ Thế Bình cho hay, NetNam có cam kết về băng thông cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp. Khi cung cấp dịch vụ, NetNam cấp cho khách hàng tài khoản để xem trực tiếp trên hệ thống giám sát băng thông của NetNam. Vì thế, khách hàng luôn nắm được tình hình sử dụng băng thông thực tế (up-down) và cả chất lượng dịch vụ của họ.

Các khách hàng của NetNam đôi khi cũng có sử dụng speedtest.net để thử kiểm tra tốc độ truy cập Internet. Tuy nhiên, do đây là công cụ kiểm tra có tính thời điểm, cho nên không ảnh hưởng gì đến mô hình kinh doanh và độ hài lòng của khách hàng NetNam, đặc biệt là khi họ đã luôn có hệ thống đo kiểm chính xác, liên tục, thời gian thực.

Trả lời câu hỏi tại sao tốc độ Internet Việt Nam được Netindex đánh giá ngang hàng với Qatar, Australia, nhưng hiện nhiều người dùng Internet Việt Nam vẫn thường xuyên phàn nàn về chất lượng, tốc độ truy cập mạng mà các ISP đang cung cấp, ông Vũ Thế Bình cho biết: “Như tôi đã giải thích ở trên, kết quả của họ là dựa trên phép đo trên hệ thống của họ, tức là phụ thuộc vào hành vi của người sử dụng Internet. Người dùng có muốn đo hay không và lựa chọn máy chủ ở đâu khi đo”.

Cũng theo quan điểm của ông Bình, người dùng ít phàn nàn về tốc độ Internet trong nước. Họ phàn nàn chủ yếu về tốc độ khi truy cập các trang ở nước ngoài, đặc biệt khi có sự cố như tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị đứt. Còn thông tin từ Netindex, có thể phần lớn thu thập được từ các máy chủ đặt trong nước; băng thông từ đó đến người dùng khá rộng.