Các bài đánh giá (review) ở mỗi sản phẩm trên trang thương mại điện tử góp phần quan trọng trong việc định hướng người mua. Tuy nhiên cũng bởi lý do này, nên các nhà bán lẻ thường lợi dụng giả danh người dùng để đưa ra những đánh giá "rởm".
Ngay cả trên Amazon - một trong những trang bán lẻ lớn nhất hành tinh với hàng trăm triệu người dùng toàn cầu, nạn đánh giá "rởm", vote "5 sao", vẫn luôn khiến người mua phải đau đầu.
Theo đánh giá của Which? - một tổ chức độc lập, có hàng chục nghìn người dùng và hàng trăm ngàn đánh giá tích cực trên Amazon nhưng không hề có bằng chứng cho thấy họ từng mua sản phẩm trên trang này, hoặc nơi khác.
Trong đó, nhiều sản phẩm có tới hàng trăm bài đánh "5 sao" được đăng tải đều đặn mỗi ngày. Một số bài đánh giá thậm chí đề cập tới vấn đề không liên quan, hoặc sản phẩm khác.
Which? đã tìm kiếm khoảng 14 sản phẩm công nghệ trên Amazon gồm các nhóm như tai nghe, đồng hồ thông minh, thiết bị đeo thông minh,...
Thật bất ngờ khi trang đầu tiên hiển thị trong kết quả tìm kiếm sắp xếp theo lượt đánh giá tốt, cho thấy 100% các mặt hàng toàn những thương hiệu mà các chuyên gia chưa từng nghe đến.
Trong đó mặc dù 71% các mục trên trang đầu tiên có đánh giá 5 sao, nhưng gần 90% các đánh giá đó chưa được xác minh.
ReviewMeta - website độc lập, chuyên kiểm tra các đánh giá trên Amazon - cho biết trong một báo cáo rằng mọi đánh giá 5 sao của top 10 cặp tai nghe hàng đầu trên Amazon đều là chưa xác định, hoặc giả mạo.
"Tôi thực sự bị sốc vì chúng tôi đã thấy điều này rất nhiều trên Amazon. Nó (những bình luận) có vẻ quá rõ ràng và dễ dàng để ngăn chặn", một đại diện của ReviewMeta cho biết.
Theo một nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng Hoa Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Spiegel, thuộc trường Đại học Northwestern, thì cho rằng các bài đánh giá trực tuyến có sức mạnh làm tăng tỷ lệ mua hàng lên tới 380%.
Trong khi đó, một nghiên cứu được thực hiện bởi Which? vào tháng 9 năm ngoái, có tới 97% người tiêu dùng dựa vào các bài đánh giá trực tuyến để giúp họ mua hàng.
Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường của Anh ước tính rằng 23 tỷ bảng Anh (30 tỷ USD) chi tiêu của người tiêu dùng Vương quốc Anh bị ảnh hưởng bởi các bài đánh giá trực tuyến mỗi năm.
Trên nền tảng Facebook, tình trạng tương tự cũng diễn ra, khi các hội nhóm thường trả tiền mua bot để đăng bài hoặc làm tăng lượt like, lượt tương tác,... Bất chấp nỗ lực ngăn cản của Facebook, các công cụ bot đánh giá ngày càng tinh vi và khó bị phát hiện hơn.
Vào tháng 7/2020, tổ chức UCLA và USC đã phát hiện hơn 20 hội nhóm trên Facebook có liên quan đến các bài hành vi nhận đăng các đánh giá giả mạo với sự tham gia của 16.000 thành viên - đều là những người có tài khoản Facebook danh tính rõ ràng. Một số còn là người nổi tiếng, có lượng theo dõi cao.
Để có được bài đăng tích cực về sản phẩm của mình, các chủ doanh nghiệp sẽ trả tiền cho những nhóm này, với trung bình khoảng 6 USD cho mỗi bài đăng, UCLA cho biết.
Hậu quả của nạn đánh giá "rởm" càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh ngày càng có nhiều người mua sắm ở nhà do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, và bắt đầu có thói quen chuyển sang mua trực tuyến đối những thứ mà họ thường mua trực tiếp.
(Theo Dân Trí, CNBC)
Lừa đảo người bán hàng online bằng website chuyển tiền giả mạo
Bộ Công an vừa cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới nhắm đến những người bán hàng online khi giao dịch qua mạng xã hội.