- Bà Lê Hương Giang- Phó vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở- Bộ Thông tin và Truyền thông - trả lời VietNamNet về hiệu quả của hệ thống đài truyền thanh cấp cơ sở.


{keywords}
Bà Lê Hương Giang, Phó vụ trưởng Vụ thông tin cơ sở - Bộ TT&TT.

- Thưa bà, từ góc độ quản lý của Vụ Thông tin Cơ sở - Bộ TT&TT, xin bà cho biết một số đánh giá tổng quan về hiệu quả hoạt động của hệ thống loa phát thanh cấp phường xă trên toàn quốc?

Hệ thống loa phát thanh đã xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước và đã có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước; tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; có vai trò quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã đến người dân ở tổ dân phố, khu dân cư, thôn, bản...

Trong những năm qua, thông tin trên hệ thống loa phát thanh đã có vai trò quan trọng trong giảm nghèo thông tin góp phần giảm nghèo đa chiều, thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, nâng cao trình độ dân trí.

Trước sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của các phương tiện thông tin hiện đại (truyền hình, internet, mạng xã hội…), người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn so với trước. Song hệ thống loa phát thanh vẫn có vai trò quan trọng bởi đây là phương tiện truyền thông ở cấp cơ sở gần dân nhất, sát với đời sống hàng ngày, phù hợp với trình độ dân trí, ngôn ngữ, phong tục tập quán của từng nhóm nhỏ người dân. Đặc biệt, lợi thế của hệ thống loa phát thanh đang được phát huy hiệu quả ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, việc phân bố hệ thống loa phát thanh chưa đồng đều ở các địa phương trên cả nước vì phụ thuộc vào nguồn ngân sách của từng địa phương. Ở các địa phương có nguồn lực về tài chính, hệ thống loa phát thanh đã được đầu tư, nâng cấp khá hiện đại. Trong 5 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2010 – 2015 đã tăng cường một bước năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, do ở cấp cơ sở có quá nhiều vấn đề bức xúc cần được đầu tư trong khi ngân sách địa phương còn quá eo hẹp, nên vẫn còn nhiều nơi hệ thống loa phát thanh đã xuống cấp, lạc hậu có nơi không thể hoạt động được nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời.

Có nơi thông tin loa phát thanh dưới tầm trình độ người dân

- Có ý kiến cho rằng hệ thống loa phát thanh phường, kể cả các phường trung tâm thành phố, vẫn còn những hiệu quả nhất định trong vai trò thông tin đến người dân. Bà đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Nội dung thông tin của đài truyền thanh cấp huyện, xã tập trung thông tin, tuyên truyền các chủ trương chính sách, phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, công tác an ninh trật tự, phổ biến các chế độ, chính sách... Đây cũng là phương tiện truyền thông gần dân nhất, linh hoạt và sát với đời sống hàng ngày của nhân dân, giúp người dân có thể tiếp nhận những thông tin thiết thực với mình mà các phương tiện thông tin đại chúng không đáp ứng được.

Hệ thống loa phát thanh còn đặc biệt phát huy tác dụng trong bảo vệ an ninh trật tự, an ninh quốc phòng, nhất là trong việc xử lý các sự cố, các tình huống đặc biệt khẩn cấp: thiên tai (bão, lũ, vỡ đê…), thảm họa (cháy, nổ…).

Tuy nhiên, có thể nói hệ thống đài truyền thanh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Đó là về cơ sở vật chất, nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng núi hệ thống loa phát thanh quá cũ, chất lượng tín hiệu phát sóng thấp, không ổn định. Ở khu vực đô thị, trong điều kiện các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh đã có những ảnh hưởng hạn chế vai trò của hệ thống loa phát thanh, trong khi đó nội dung và cách thức thông tin của hệ thống này chưa kịp thời đổi mới.

Về con người, đội ngũ cán bộ đài xã phường chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, yếu và thiếu cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn năng lực quản lý. Về nội dung thông tin nhiều đài vẫn còn sơ sài, nghèo nàn, có nơi còn dưới tầm trình độ của người dân trên địa bàn. Chưa có quy định chặt chẽ, hợp lý về hệ thống nội dung chương trình, thời điểm, thời lượng, âm lượng truyền thanh phù hợp. Nhiều nơi chỉ chú trọng hoạt động ở những trọng điểm, kỳ, cuộc mà chưa thường xuyên, đều đặn, chưa thể hiện vai trò chủ động thông tin trên mặt trận thông tin cơ sở.

- Vậy theo bà, cần làm thế nào để tăng cường tính hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh cấp cơ sở?

Hiện tại, phương thức thông tin tuyên truyền của hệ thống loa truyền thanh cấp cơ sở chưa được thường xuyên đổi mới, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại phù hợp với trình độ dân trí phát triển và tập quán tiếp nhận thông tin ngày càng phong phú của nhân dân.

Với vai trò quan trong của hệ thống thông tin cơ sở  nói chung và hệ thống loa phát thanh nói riêng. Ngày 05 tháng 9 năm 2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin cơ sở, để thông tin cơ sở trong đó có hệ thống loa phát thanh của đài truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã phát huy tốt vai trò của mình góp phần vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước.

Ngày 06 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở, trong đó có quy định về hoạt động của các đài truyền thanh cấp xã. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương chủ động xây dựng quy chế hoạt động của các đài truyền thanh phù hợp với đặc điểm riêng có của từng địa phương mà vẫn bảo đảm các yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu của hệ thống và đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trên địa bàn.

Để tăng cường năng lực của hệ thống thông tin cơ sở trong đó có hệ thống  đài truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Bộ, ngành liên quan đang triển khai xây dựng và thực hiện các dự án: Dự án “Giảm nghèo về thông tin” trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và Dự án “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

- Trước thông tin Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị Sở TT&TT Hà Nội đánh giá lại hoạt động của hệ thống loa phát thanh tại cấp phường, nơi nào không c̣n hiệu quả th́ nên bỏ, bà có quan điểm như thế nào về đề nghị này?

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự cải thiện về điều kiện kinh tế xã hội, việc đánh giá hiệu quả của các phương tiện truyền thông hiện nay nói chung và hệ thống loa phát thanh nói riêng đặc biệt là ở khu vực nội đô các thành phố lớn, có mật độ dân cư dày đặc là cần thiết.

Trên cơ sở đó, tìm được các phương án truyền thông hiệu quả, hiện đại vừa bảo đảm yêu cầu cung cấp được các thông tin thiết yếu đến từng người dân, vừa tiết kiệm nguồn lực của nhà nước, bảo đảm mỹ quan đô thị là chủ trương cần được ủng hộ.

H.P.