Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của 63 tỉnh, thành trên cả nước
Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2024
Tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn: Hoá học, Vật lý, Sinh học. Sáng nay, hơn 370.000 thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên.
Với môn Sinh học, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định, đề thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD-ĐT đã công bố qua đề thi tham khảo.
“Đề phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, có độ phân hóa tốt để xét tuyển đại học. Đề đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, giảm yếu tố toán, tăng bản chất sinh học, đòi hỏi thí sinh cần kỹ năng đọc hình, bảng biểu và sơ đồ. Về độ khó của đề thi, 70% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp; chỉ có 30% câu hỏi dùng để phân hóa, trong đó khoảng 10% câu hỏi là vận dụng cao”, thầy Công đánh giá.
Theo thầy Công, đề thi có 4 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 nằm trong chương I – Chuyển hóa vật chất và năng lượng, câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, không có điểm mới. Có 90% số câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12, phân bố gồm 11 câu về cơ chế di truyền và biến dị; 5 câu về quy luật di truyền, có sự suy giảm đáng kể dạng này chứng tỏ câu hỏi đi vào bản chất sinh học; 1 câu di truyền người, 2 câu di truyền học ứng dụng, 3 câu di truyền quần thể, 4 câu về tiến hóa và 11 câu về sinh thái.
“Nhìn chung, với mức độ đề như vậy, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét tốt nghiệp. Chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa, thí sinh có thể đạt được điểm 5 - 6 một cách dễ dàng. Để đạt được mức 7-8 điểm đòi hỏi thí sinh hiểu môn Sinh thật cẩn thận.
Còn để đạt mức 9-10, tương đối khó vì đề dài và thí sinh phải thực sự nhanh mới làm được hết. Do vậy, đỉnh của phổ điểm có thể ở khoảng 5,5-6,5 điểm. Đề không quá khó nhưng dài, các học sinh giỏi và có kĩ năng có thể đạt điểm 10”, thầy Công chia sẻ.
Thầy Phạm Lê Thanh, TPHCM, nhận định, đề thi Hóa học dễ thở, giữ cấu trúc và mức độ phân hóa tương đối ổn định và không nhiều biến động. Trong 21 câu đầu tiên, tất cả lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chủ yếu chương trình lớp 12. Từ câu thứ 22 trở đi là các bài tập cơ bản phân hoá dần từ thấp đến cao.
Độ phân hóa cao nhất nằm ở 7- 8 câu cuối gồm các câu lý thuyết tổng hợp và bài toán hoá học. Với đề thi này học sinh trung bình, khá dễ đạt được 6.0 - 7.5 điểm. Học sinh giỏi có thể đạt từ 8.0 đến 8.75 và học sinh xuất sắc nắm chắc chắn kiến thức cả 3 năm mới đạt trên 9.0 điểm.
Nhìn chung, mức độ phân hóa của đề khá tốt, đảm bảo mục tiêu kì thi 2 trong 1, có thể đánh giá được học sinh giỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường Đại học tuyển sinh vừa có thể giúp các em chọn tổ hợp bài thi Khoa học Tự nhiên để thi tốt nghiệp.
Với môn Hóa học, cô Khiếu Thị Hương Chi, giáo viên Hóa học của Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), nhận định, đề thi môn Hóa học có đầy đủ các dạng lệnh hỏi, nhằm đánh giá toàn diện năng lực người học. Cụ thể, lệnh hỏi nhận biết (20 câu); lệnh hỏi phân tích (10 câu); lệnh hỏi đánh giá (7 câu); lệnh hỏi đề xuất giải pháp (3 câu).
Theo cô Chi, đề thi cũng đảm bảo phản ánh đầy đủ các phần kiến thức quan trọng trong chương trình gồm trọng tâm kiến thức lớp 12 và kiến thức quan trọng lớp 11, ví dụ hidrocarbon (câu 67 mã 214), bài toán dung dịch, tinh thể muối (câu 73 mã 214).
Đề cũng đa dạng hình thức câu hỏi khi sử dụng đa dạng câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi từ dễ đến khó, đủ độ khó để đánh giá đa chiều năng lực của học sinh.
“Đề thi cũng đảm bảo tính logic và chính xác. Câu hỏi, câu trả lời chính xác và không gây nhiễu cho học sinh. Câu hỏi có độ phức tạp tăng dần, mức độ phân hoá rõ ràng”, cô Chi nói.
Cô Chi cho rằng, một trong những điểm nổi bật của đề thi năm nay là tăng tính phân hoá. “Học sinh sẽ khó có thể gặp tình trạng may mắn hay chọn ngẫu nhiên đúng toàn diện. Đề yêu cầu các em phải có năng lực toàn diện mới hoàn thành được bài thi. Ví dụ như câu 79 và 80, yêu cầu học sinh cần có khả năng đề xuất giải pháp giải hiệu quả”, cô Chi nói.
Đề cũng có các câu hỏi tăng cường các phương án lựa chọn “nhiễu”, như các câu 75,76. Các câu này đòi hỏi học sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt mức điểm tối đa, hạn chế dùng “mẹo” chọn đáp án. Các câu định lượng 71, 72, 73, 77 cần học sinh có kỹ năng phân tích, đánh giá tốt.
“Có thể nói đề đã giảm kỹ năng xử lý thuật toán, nhưng chưa nhiều kỹ năng thực hành thí nghiệm và ứng dụng thực tiễn - những đặc thù của môn Hóa học. Cùng đó, chưa rõ câu hỏi có tính mở rộng, hình thành kiến thức mới hay kiểm nghiệm dự đoán khoa học. Chưa rõ những câu hỏi đánh giá được người học có phát huy tính độc lập sáng tạo hay không, để xác định được cá nhân nổi trội và còn ít kiến thức vận dụng”, cô Chi cho biết.
Với môn Vật lý, cô Trần Thị Kim Ngân - giáo viên dạy Vật lý, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), nhận định mức độ đề vẫn như năm ngoài, không có thay đổi gì mới.
“Có thể nói đề môn Vật lý khá dễ thở với học sinh. 30 câu đầu hoàn toàn là kiến thức rất cơ bản nên việc học sinh đạt điểm 7 khá dễ dàng. Từ câu 31-34, những học sinh chắc kiến thức (gồm học sinh khá và học sinh giỏi) sẽ dễ dàng làm được và có thể đạt được mức 8,5 điểm. Từ câu 35-40, có 2 câu những học sinh học lực giỏi sẽ làm được, còn 4 câu còn lại khó, đề khá dài”, cô Ngân phân tích.
Do đó, với đề thi này, cô Ngân dự đoán phổ điểm sẽ tập trung nhiều nhất ở ngưỡng từ 7-8.
>>>Mời các thí sinh và quý phụ huynh tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhanh trên VietNamNet<<<