Công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển còn nhiều bất cập

Chia sẻ về các kết quả công tác trong năm 2023, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Nguyễn Văn Tài cho biết: Năm 2023 là năm đầu tiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đi vào hoạt động với vị trí là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT. Ngay từ đầu năm 2023, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ sớm được kiện toàn, đi vào hoạt động ổn định, thông suốt.

Trong năm 2023, Cục đã tổ chức rà soát các quan điểm, chủ trương định hướng, quy định pháp luật và các điều ước quốc tế để tham mưu trong việc định hình rõ ràng và thống nhất công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói chung và công tác quản lý nhà nước nói riêng. Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Tài, Cục đã hoàn thành công tác xây dựng văn bản được giao, trọng tâm là Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, các Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Bộ trưởng ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu môi trường; triển khai xây dựng Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ cũng đã hoàn thành.

Ngoài ra, Cục đã phối hợp với Vụ Môi trường (Bộ TN&MT) đề xuất sửa đổi Nghị định 08 và phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm sửa đổi Thông tư 02; rà soát các bất cập,vướng mắc để đề xuất sửa đổi Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài, chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và quy định về đăng ký thành lập, cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ…

img 1190.jpg
Xã đảo Nam Du, một trong những khu vực được Kiên Giang tập trung bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với định hướng phát triển nghề nuôi biển và du lịch. 

Lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học thừa nhận, dù được nâng cấp thành đơn vị trực thuộc Bộ và có vị thế tốt hơn để thực hiện các quan hệ hợp tác, tuy nhiên, thách thức đặt ra khi công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hiện khó thống nhất do còn chống chéo giữa nhiều Bộ, ngành; các quy định liên quan cũng phân tán trong hệ thống pháp luật. Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thực tế, bảo vệ môi trường nhất là môi trường biển trong công tác bảo tồn vẫn còn nhiều bất cập.

Sẽ sớm sửa Luật Đa dạng sinh học

Nói về kế hoạch năm 2024, ông Nguyễn Văn Tài cho biết, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo hướng xác định rõ đối tượng quản lý, kết hợp phương thức quản lý tổng hợp và quản lý trực tiếp.

Cùng với triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal tại Việt Nam, Cục sẽ chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời, xây dựng trình Bộ xem xét, phê duyệt Đề án thiết lập đối tác về đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái; mạng lưới khu Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Riêng với mạng lưới khu Ramsar có yếu tố biển, công tác bảo vệ môi trường cũng là lĩnh vực đơn vị quan tâm khi nhiều khu bảo tồn biển, rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam đang được định hướng trở thành các khu Ramsar. Do đó, nếu các khu vực này xảy ra các sự cố môi trường hoặc bị đe dọa bởi ô nhiễm trắng (rác thải nhựa), ô nhiễm dầu tràn… thì mọi cố gắng bảo tồn đa dạng sinh học sẽ gặp khó.

Đánh giá và ghi nhận các kết của đơn vị đã đạt được, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhận định, thời gian tới cán bộ Cục cần gắn công tác tham mưu chính sách với thực tiễn, đưa ra những ý tưởng hay, cách làm mới, tránh hô khẩu hiệu. Thông thường, khi càng phát triển, thiên nhiên sẽ càng bị thu hẹp lại. Bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý là phải làm gì để Việt Nam vừa phát triển bền vững vừa giữ gìn vốn tài nguyên và phát huy được các giá trị tự nhiên của đất nước.

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có sự giao thoa với nhiều lĩnh vực khác trong đó đặc biệt là vấn đề môi trường. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đồng tình với đề xuất tổ chức đánh giá 15 năm thực hiện Luật Đa dạng sinh học, tạo tiền đề cho việc đề xuất, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học năm 2008 theo hướng bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế.

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV