Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một số clip đánh ghen với hành vi sỉ nhục người khác một cách man rợ khiến dư luận xôn xao.
PGS.TS Trần Thu Hương - giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ với báo VietNamNet về hiện tượng này ở góc độ tâm lý.
PV: Ở góc độ tâm lý, xin bà cho biết nguyên nhân của hành vi đánh ghen là gì?
PGS.TS Trần Thu Hương: Đánh ghen là một hiện tượng xã hội xảy ra ở mọi xã hội, mọi nền văn hóa và ở mọi thời điểm lịch sử, dưới những hình thức khác nhau và với các mức độ khác nhau.
Nói tới đánh ghen, người ta thường nói đến những suy nghĩ hoặc cảm giác bất an, cảm giác nghi ngờ, cảm giác sợ hãi và lo lắng về sự thiếu an toàn. Hành vi này có thể bao gồm một hoặc nhiều cảm xúc như giận dữ, oán giận, không thỏa đáng, bất lực hoặc ghê tởm, và ở một góc độ nào đó, nó cũng có bản chất của hành vi gây hấn.
Ghen tuông là một dạng bản năng của con người không thể loại bỏ mà chỉ có thể kiểm soát bằng lý trí, khả năng tự làm chủ bản thân hoặc thông qua những mối quan hệ xã hội tích cực, thiện chí, và luôn có ít nhất 3 đối tượng gồm người ghen, người bị ghen và người liên quan đến người bị ghen.
Hành vi đánh ghen của người có tâm lý hướng ngoại thường đi kèm sự giận dữ, ầm ĩ; còn ở những người có xu hướng hướng nội, biểu hiện sự ghen tuông thường là sự xa lánh, lạnh lùng, khinh bỉ, căm thù đối tượng. Cả hai dạng này đều rất nguy hại cho sức khỏe cả thể chất và tinh thần.
Ở góc độ tâm lý và y học, đánh ghen có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trí não, làm giảm trí thông minh, thiếu logic, đánh mất sự tự tin, tiêu tan độ hấp dẫn cũng như nhân cách con người. Tuy nhiên, ghen tuông ở một mức độ nhất định có tính tích cực nhất định vì nó chứng tỏ tình cảm giữa hai bên sâu nặng, và góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa hai người. Nhưng nếu không kiểm soát được thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, dẫn đến những lời nói, hành vi thiếu kiềm chế - một trong những nguyên nhân của tội phạm, bi kịch tình yêu, bi kịch gia đình.
Đánh ghen cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình với những kiểu bạo hành kết hợp với lý do ngoại tình, nghi ngờ hoặc một trong hai người đang có ý định thoát khỏi mối quan hệ. Ngoại tình được xem là nguyên nhân dẫn đến xung đột không thể hòa giải giữa vợ chồng, có thể dẫn đến bạo lực gia đình, gây thương tích cho người khác cả về thể chất và tinh thần, thậm chí là có thể làm chết người.
- Theo bà, tại sao ngày nay lại xuất hiện nhiều vụ đánh ghen với những hành vi man rợ đến vậy?
Hiện nay, thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết đến ngày càng nhiều những cuộc đánh ghen với tính chất ngày càng trầm trọng. Điều này cho thấy sự khó kiểm soát lý trí ngày càng cao, cảm giác bất an, bất lực, tức giận, lo sợ mất mát và thiếu an toàn ngày càng lớn ở những người đánh ghen; trong một số trường hợp là sự vượt giới hạn quá mức của người bị ghen và người có liên quan. Đồng thời, điều này cũng là dấu hiệu cảnh báo cho sự mất phương hướng và không định hình được tốt các giá trị đạo đức trong xã hội ngày nay.
Hình ảnh một vụ được cho là đánh ghen ở Huế. |
- Xin bà chia sẻ về tác động tâm lý của những hành vi đánh ghen đối với các nạn nhân? Theo bà, người đi đánh ghen có phải trải qua những hệ quả nào về mặt tâm lý sau hành vi của họ không?
Đánh ghen để lại nhiều hậu quả đối với nạn nhân, người đi đánh ghen và cả người có liên quan.
Ở cả ba đối tượng này, sau đánh ghen là một sự tổn thương lớn về thể chất và tinh thần. Ở họ sẽ luôn tồn tại nỗi lo sợ mất mát, nghi ngờ hoặc tức giận, tự hạ thấp lòng tự trọng...
- Bà có cho rằng sự phát triển của mạng xã hội là một công cụ và là nguyên nhân khiến cho những hành vi đánh ghen ngày càng có mức độ gây tổn thương lớn hơn để đạt mục đích vạch mặt, sỉ nhục nạn nhân không?
Điều này đúng và mức độ hành vi đánh ghen cũng như sự tổn thương sẽ nhanh hơn và sâu sắc hơn.
- Vì sao hầu hết những người đi đánh ghen và bị đánh ghen lại là phụ nữ? Sự khác biệt về yếu tố giới tính có liên quan gì đến hiện tượng tâm lý này, thưa bà?
Để lý giải thì không dễ, bởi bản chất gây hấn thì có ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, có thể nói rằng phụ nữ hành xử thiên về cảm xúc nhiều hơn nam giới. Họ đặc biệt sợ sự phản bội tình cảm và đau khổ - một cảm giác sợ bị bỏ rơi.
Về diễn biến quá trình ngoại tình, thông thường quá trình ngoại tình của đàn ông thường diễn ra nhanh hơn phụ nữ, có khi chỉ vì lý do tình dục.
Về sinh lý, đàn ông có thể đạt khoái cảm cả với người đàn bà mà họ không yêu, thậm chí có thể thua kém vợ mình về nhiều phương diện, ngay cả lúc họ đang có hạnh phúc gia đình. Chính vì đặc điểm này mà người phụ nữ luôn lo lắng và ghen tuông vì họ không thể chắc chắn kiểm soát được đối tượng của mình.
Đối với những phụ nữ ngoại tình, một phần lớn nguyên nhân do tình cảm và quá trình ngoại tình của phụ nữ nói chung lâu dài hơn, nhiều công phu hò hẹn, gặp gỡ hơn, do đó có những dấu hiệu dễ bị phát hiện hơn, và khi họ đã ngoại tình với ai thì thường là họ yêu người đó. Đa số phụ nữ chỉ ngoại tình khi họ không có tình yêu trong hôn nhân.
Vì thế, một khi đàn bà đã ngoại tình, họ đã bị cuốn hút cả về tinh thần lẫn thể xác. Chính vì đặc điểm này, người đàn ông ghen và có cảm giác bất lực khi không thể níu kéo một mối quan hệ đang đổ vỡ không thể ngăn cản.
- Bà có thể đưa ra một lời gợi ý, một giải pháp để giải toả về mặt tâm lý cho những người không may trở thành người trong cuộc của những câu chuyện này?
Giải pháp cho những chuyện này là khó, bởi chúng ta không lường được cảm xúc và hành vi của những người trong cuộc. Chỉ có điều, nếu tất cả mọi người biết đến và biết rõ các giới hạn của mình trong mọi mối quan hệ, kiềm chế và không cho phép mình vượt qua những làn ranh giới ấy thì sẽ hạn chế đi rất nhiều các hành vi đánh ghen như hiện nay.
Clip được cho là đánh ghen ở Huế: Sao phải thảm thương thế này?
Những vụ đánh ghen sẽ chỉ khiến chính người đi đánh ghen trở thành thảm thương trong mắt tất cả mọi người.
Nguyễn Thảo (thực hiện)