Một CĐV đã nói như vậy trước hình ảnh chàng thủ môn cao to ôm cột khóc khi tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup. Văn Lâm là thế, dù con đường đã chọn khó khăn đến đâu vẫn không bỏ cuộc.
Trong dư âm chiến thắng sau 10 năm chờ đợi của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018, hình ảnh Đặng Văn Lâm xuất hiện khắp mạng xã hội những ngày qua.
Thủ thành mang hai dòng máu Việt - Nga không chỉ góp công lớn vào chiến tích này, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người về tinh thần, nỗ lực vươn lên ngay cả trong thời khắc tuyệt vọng nhất.
Thủ thành Đặng Văn Lâm góp công lớn trong chiến tích lên ngôi vương bóng đá Đông Nam Á của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.
Nếu bằng lòng với lựa chọn của cha, Việt Nam đã mất đi một thủ môn giỏi
Cuộc đời bóng đá của Đặng Văn Lâm được mô tả là chuyến phiêu lưu chứa đầy biến cố của một kẻ ngoại đạo. Và nếu là người yếu đuối và dễ bỏ cuộc, Lâm đã không thể tới được hôm nay.
Sinh năm 1993 tại Nga trong gia đình nghệ thuật (cha là nghệ sĩ múa người Việt, mẹ là diễn viên kịch người Nga), Đặng Văn Lâm là người duy nhất nuôi mộng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Spartak Moscow và Dynamo Moscow (Nga), Lâm trở về Việt Nam năm 2010 để tìm kiếm cơ hội thi đấu.
Hơn 3 năm phiêu lưu ở quê cha của Lâm có thể được tóm gọn lại: Ký hợp đồng đào tạo trẻ với Hoàng Anh Gia Lai nhưng không được trao nhiều cơ hội, không để lại dấu ấn khi được gọi lên U19 Việt Nam, từng bị đẩy sang Lào chơi cho Hoang Anh Attapeu rồi cho mượn đến CLB TP.HCM trước khi trở lại Nga năm 2014.
Ngày Lâm trở về, cha anh là ông Đặng Văn Sơn nhanh chóng sắp xếp cho con trai theo học ngành Kế toán. 9X chắc chắn không bằng lòng với lựa chọn đó bởi nếu có, Văn Lâm đã không thể chạm đến ước mơ và Việt Nam cũng mất đi một thủ môn giỏi.
Nếu nghe theo lời cha từ bỏ giấc mộng đá bóng sau hàng loạt biến cố, Văn Lâm sẽ không là Văn Lâm của ngày hôm nay. Ảnh: Việt Hùng.
Năm 2015, Lâm không ngần ngại chia sẻ nỗi lòng trên trang cá nhân với hy vọng HLV trưởng Toshiya Miura cho anh cơ hội thử sức trong màu áo U23 Việt Nam tại SEA Games, đồng thời mong cộng đồng mạng ủng hộ.
9X viết: "Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc cho đội tuyển U23. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Lâm đẻ ra ở Nga nhưng bố của Lâm là người Việt Nam. Lâm có hộ chiếu Việt Nam, biết nói và đọc tiếng Việt. Lâm sống 5 năm ở Việt Nam".
"Về chuyên môn Lâm không yếu, từng được đào tạo ở các CLB nổi tiếng bên Nga. Lâm chịu không nổi được nữa khi thấy các bạn đang tập mà không có Lâm ở đấy", dòng tâm tư đầy khẩn thiết nhưng cũng bộc lộ sự kiên định của Văn Lâm nhận được nhiều chia sẻ từ dân mạng.
Thứ HLV Miura gửi cho chàng thủ thành cao 1,88 m sau đó là dòng tin nhắn từ chối: "Chúng tôi đã bàn bạc về trường hợp của cậu. Chúng tôi không thể triệu tập cậu".
Tuy nhiên, nhờ sự chú ý từ bức thư và thông qua vài mối quan hệ, Lâm trở lại V.League lần thứ 2 trong màu áo CLB Hải Phòng.
Những ngày qua, bức tâm thư được chia sẻ khắp các diễn đàn. Nhiều người hâm mộ không khỏi xúc động và ngưỡng mộ khát khao chơi bóng cháy bỏng của chàng trai 25 tuổi.
Tâm thư xin việc cách đây 3 năm của Đặng Văn Lâm "gây bão" sau khi được chia sẻ lại. Ảnh chụp màn hình.
'Con đường của Lâm chưa bao giờ dễ cả'
Trở lại V.League lần 2 để viết tiếp giấc mơ còn dang dở, Đặng Văn Lâm cũng phải nếm trải nhiều thăng trầm.
Từ vị trí dự bị, Văn Lâm trở thành thủ môn số 1 ở CLB Hải Phòng, rồi được triệu tập lên tuyển Việt Nam dự AFF Cup. Nhưng khi tưởng có trong tay tất cả, vụ bê bối với trợ lý Lê Sỹ Mạnh buộc Văn Lâm phải rời CLB Hải Phòng trong tình cảnh chấn thương, không nhà cửa.
Trong thời gian trị thương ở VFF, cha mẹ một lần nữa điện thoại gọi anh về Nga. Nhưng Lâm từ chối để ở lại, tiếp tục chờ đợi.
Nhờ sự kiên nhẫn đến mức chai lì trước mọi khó khăn, Lâm đã bước tới đỉnh cao trong sự nghiệp của một thủ môn ở Việt Nam trong 2 năm sau đó.
Cách đây 3 tháng, thông tin "thủ môn hay nhất V.League 2018" bị HLV Park Hang-seo loại khỏi danh sách tuyển thủ tham dự ASIAD 18 ở giờ chót gây "chấn động".
Đặng Văn Lâm ôm cột dọc khóc như đứa trẻ sau khi trở thành phần quan trọng của chức vô địch thứ 2 trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Ảnh: Bạch Nguyễn.
Gạt đi nỗi buồn và sự thất vọng, Văn Lâm trấn an cổ động viên: "Những người theo dõi tôi cũng biết con đường của Lâm chưa bao giờ dễ cả, nhưng đấy mới là động lực để tôi không ngừng nỗ lực và phấn đấu! Trong máu Lâm có 'tinh thần người Việt Nam' và tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc".
3 tháng sau ngày định mệnh ấy, Lâm đã trở lại và không ai có thể cản bước anh tỏa sáng rực rỡ trong AFF Cup thứ 2 trong sự nghiệp.
Thành tích giữ sạch lưới 5 trận vòng bảng, chỉ để thua 4 quả ở bán kết và chung kết khi đối mặt những tình huống dứt điểm rất khó khăn đủ để nói lên Văn Lâm đã làm tốt thế nào.
Sau khoảnh khắc Việt Nam trở thành nhà vô địch AFF Cup 2018, trong tiếng hò reo vang trời của 4 vạn CĐV tại sân Mỹ Đình, đồng đội chạy khắp sân ăn mừng, Văn Lâm lặng lẽ tiến về phía khung thành rồi tựa đầu vào cột dọc.
Không ai biết chàng thủ thành 25 tuổi thì thầm điều gì, chỉ chắn chắc ở thời khắc đó, anh được trút bỏ mọi áp lực, căng thẳng vì đã cùng đồng đội mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Hình ảnh chàng trai mạnh mẽ, lạnh lùng trong trận đấu bật khóc như đứa trẻ khiến ai nhìn thấy cũng cay cay nơi khóe mắt. Ước mơ thi đấu cho tuyển Việt Nam ngày nào của Đặng Văn Lâm giờ cháy sáng với ngọn lửa rực rỡ nhất.
Chàng thủ môn bật khóc sau khi tiếng còi kết thúc 90 phút trận chung kết của trọng tài vang lên, đồng nghĩa đội tuyển Việt Nam là những người thắng cuộc. Ảnh: Việt Hùng.
Một ngày sau chức vô địch AFF Cup 2018, Đặng Văn Lâm đã dịch lại bức thư của mẹ mình - bà Jukova Olga - từ tiếng Nga, theo đúng yêu cầu của bà gửi người hâm mộ Việt Nam.
Bà viết: "Lev yêu mến của mẹ! Người ta nói 'Không ai lội 2 lần trên một dòng sông'. Và con đã lội 2 lần. Lần đầu tiên, khi ấy con là cậu thanh niên 17 tuổi. Con đã bước lên, ngược dòng một cách dũng cảm và vượt qua tất cả! Con đã lớn khôn, sáng suốt và trưởng thành".
"Lần thứ hai lội xuống dòng sông đó, con khi ấy đã trưởng thành và chuyên nghiệp. Hãy bơi đi con trai! Mẹ ủng hộ con! Mẹ biết ơn Chúa trời vì tất cả. Mẹ mừng cho con. Chúc mừng chiến thắng to lớn đầu tiên của con. Chúc con thành công, Lev của mẹ", người mẹ xúc động.
Mẹ tuyển thủ tự nhận là người hạnh phúc nhất thế gian và gửi lời cảm ơn chân thành tới cổ động viên Việt Nam, ban huấn luyện, đồng đội... đã tin tưởng Văn Lâm.
NSND Đặng Hùng - bác ruột của Đặng Văn Lâm - cũng bày tỏ niềm tự hào về người cháu trai nỗ lực: "Con sinh ra tại Moscow và được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất của 2 đất nước Việt Nam và Nga".
Mẹ Đặng Văn Lâm xúc động trước chiến thắng to lớn đầu tiên của con trai trong màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. Ảnh: FBNV.
Chợt nhớ đến những câu hát trong ca khúc Hall Of Fame (tạm dịch: Quảng trường danh vọng): "Đừng chờ đợi vận may. Cống hiến thân mình và bạn sẽ tìm thấy chính mình. Đứng giữa quảng trường danh vọng. Cả thế giới sẽ biết đến tên bạn. Vì bạn bùng cháy với ngọn lửa mãnh liệt nhất".
Câu chuyện của Văn Lâm là minh chứng của việc ngay cả khi không có gì trong tay hay vừa mất tất cả, cứ đam mê và nỗ lực đi, rồi thành công sẽ tìm đến bạn.
Với chiến thắng to lớn đầu tiên trong sự nghiệp, nhiều cổ động viên mong Lâm vững vàng để nối dài thành công đẹp như giấc mơ đó và được thấy "gấu Nga" lại tỏa sáng với những pha cứu thua xuất thần.
Và không ít người hài hước đề xuất: "Từ hôm nay, hãy gọi anh ấy là Lâm Ta thay vì Lâm Tây".